Bảo vệ trẻ tốt nhất là vượt qua rào cản suy nghĩ

Theo Đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Minh Hiền một trong những rào cản lớn nhất trong việc bảo vệ trẻ khỏi bạo hành là suy nghĩ “mình cũng từng đánh con, bạo hành trẻ thì mình không có quyền lên tiếng”.

Cần nâng cao nhận thức người dân về bạo hành trẻ

Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em rất đau lòng trong thời gian vừa qua. Là người gắn bó nhiều năm với công tác bảo vệ trẻ em, theo bà, việc bạo hành trẻ em thường xuất phát từ nguyên nhân nào?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị bạo hành. Bởi cuộc sống muôn hình vạn trạng, không có sách vở, thậm chí là điều khoản pháp luật bao trùm lên hết các hành vi, tình huống xảy ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, cô đọng lại vẫn có một số nhóm nguyên nhân: Môi trường, gia đình, phương pháp giáo dục trong gia đình.

pham-minh-hien-2jpg.jpeg
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Minh Hiền.

Nếu trong gia đình có vấn đề về xã hội như cha mẹ ly hôn, một trong hai người có liên quan tới pháp luật hoặc gia đình không hạnh phúc thì chắc chắn ảnh hưởng tới tâm lý của đứa trẻ cũng như các cách hành xử, các mối quan hệ trong những thành viên của gia đình. Từ đó, dẫn đến các hành vi tiêu cực khác như bạo hành, xâm hại trẻ em.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ thường bị bạo hành bởi chính những người gần gũi nhất, như ông bà, cha mẹ… Thực tế bà thấy, điều này xảy ra như thế nào?

Bạo hành trẻ không chỉ là đánh đập trẻ mà ở rất nhiều hình thức khác nhau. Nếu người lớn không được truyền thông, trang bị những kiến thức về việc làm cha làm mẹ thì sẽ rất khó nhận diện và đôi khi cho rằng đó là việc hết sức bình thường. Ví dụ, ông bà xưa vẫn có câu: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, cho rằng, thương con thì phải đánh. Nhưng làm cha mẹ có được phép đánh con không? Yêu con thì phải thế nào… Đó là kiến thức phải học trước khi làm cha làm mẹ.

Tức là phải nâng cao nhận thức của người dân, thưa bà?

Đương nhiên, đây là việc làm thường xuyên. Người lớn phải được trang bị những kiến thức, hiểu biết, kỹ năng để nhận diện vấn đề. Điều quan trọng, phải hiểu rằng, trách nhiệm của người lớn trong việc bảo vệ trẻ em là không chỉ ở trong gia đình mà ngoài cộng đồng nữa.

Ví dụ, có nhiều trẻ bị bạo hành trong nhà mà hàng xóm biết, họ hàng biết nhưng lại chấp nhận như một việc hiển nhiên, nghĩ rằng đó là câu chuyện của gia đình người khác mà không biết rằng sự im lặng của mình chính là hùa theo hành vi vi phạm về pháp luật đối với bảo vệ trẻ em.

Hoặc đi trên đường nếu thấy đứa trẻ bị bạo hành thì sẽ xử trí thế nào? Khi đã có nhận thức thì sẽ có phản ứng tức thời bảo vệ trẻ, chứ không cần suy nghĩ đắn đo nữa.

Rào cản lớn nhất là cho rằng mình không có quyền lên tiếng

Ngoài vấn đề về nhận thức, theo bà, nguyên nhân của việc “đứng ngoài cuộc” khi nhìn thấy một đứa trẻ có dấu hiệu bị bạo hành là vì đâu?

Tôi cho rằng xuất phát từ văn hóa truyền thống cho rằng “chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau”, người trên nói thì dưới phải nghe, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”… Thành ra có thể dẫn đến việc, một đứa trẻ trong chung cư ai cũng biết bé bị bạo hành nhưng lại không có động thái bảo vệ trẻ…

Đặc biệt, có một rào cản rất lớn, đó là suy nghĩ: Nếu mình cũng bạo hành, cũng đánh con thì mình có quyền gì đi can thiệp vào chuyện nhà người ta?

Ngay đối với cá nhân tôi, khi đi nói về vấn đề bạo hành trẻ em thì cũng có người đặt vấn đề với tôi rằng: Tôi cũng từng là nạn nhân bạo hành gia đình, tôi đã bảo vệ được bản thân, được con mình hay chưa mà giờ lại lên tiếng về bạo hành? Sẽ không thay đổi được gì đâu!

Trong khi đó, việc “đánh con” lại dường như phổ biến ở các gia đình Việt Nam, thưa bà?

Đúng vậy, theo quan sát của tôi, ở rất nhiều gia đình Việt Nam, các bậc cha mẹ cũng đã từng nâng roi lên đánh con mình. Hoặc có những lần cãi vã, mâu thuẫn trước mặt con. Đó chính là bạo hành trẻ. Vậy thì, khi thấy trẻ hàng xóm bị bạo hành, mình có quyền gì mà can thiệp vào chuyện nhà người ta?

Trong quá trình làm truyền thông về bạo hành, tôi thấy thường chỉ đi vào “máy móc”: Một là, hai là, ba là… phải bảo vệ trẻ em mà không đặt ra vấn đề, ai dám thừa nhận mình từng đánh con, mình từng là nạn nhân của bạo hành gia đình? Và nếu thừa nhận điều đó thì tôi có quyền được can thiệp được vào câu chuyện trẻ bị bạo hành của người khác hoặc ngoài cộng đồng hay không?

Nếu không đi vào vấn đề “cốt tử” này thì cũng sẽ rất khó có người dám lên tiếng.

Trong trường hợp làm được điều đó, thì sẽ có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

Khi những nạn nhân của bạo hành gia đình, hoặc những người từng có hành vi bạo hành trẻ lên tiếng bảo vệ trẻ em thì điều đó sẽ rất có ý nghĩa. Bởi vì, họ đã vượt qua được rào cản về tư tưởng, rào cản về suy nghĩ, thay đổi về nhận thức để đứng dậy đấu tranh. Tiếng nói của người đã vượt lên chính mình sẽ rất thuyết phục.

Những người gần gũi nhất sẽ bảo vệ trẻ tốt nhất

Có nhiều ý kiến cho rằng, trong các vụ trẻ em bị bạo hành thì dường như vai trò của cơ quan bảo vệ trẻ em lại rất mờ nhạt, thưa bà?

Mỗi một địa phương, phường xã đều có bộ phận bảo vệ trẻ em và đều có những cộng tác viên. Vấn đề là một mình họ thì không thể nắm hết những gì xảy ra trong từng ngôi nhà. Họ cần có sự liên kết với những người hàng xóm, người lớn xung quanh và họ là người kết nối, người báo tin.

Cơ quan chức năng chỉ đưa ra các nhóm giải pháp và có sự phối kết hợp, dùng pháp luật để quản lý xã hội, đưa các chương trình, kế hoạch bảo vệ trẻ, triển khai xuống các địa phương.

Bảo vệ trẻ là khi chúng ta theo sát, theo dõi quan sát, cận kề gần gũi trong một không gian sinh hoạt cùng với trẻ. Mà người gần gũi trẻ nhất là người trong gia đình và hàng xóm.

Và cần truyền thông để người dân biết được cần báo tới đâu khi phát hiện vụ việc, thưa bà?

Đúng vậy. Để bảo vệ trẻ thì phải tạo ra mạng lưới cộng đồng và phải truyền thông cho người dân có đường dây nóng khẩn cấp về bảo vệ trẻ em, đó là tổng đài 111. Đó cũng là một trong những cách bảo vệ trẻ của cơ quan chức năng.

Để có những thay đổi như bà nói, liệu có khó không?

Tôi cho rằng, khó có thể thay đổi ngay, nhưng với sự thay đổi của từng người, sẽ có sự lan tỏa và có những tác động tích cực. Và phải bảo vệ trẻ, bảo vệ ở đời sống thực chứ không phải chỉ là cãi nhau trên không gian ảo. Theo tôi, nếu thực sự có lòng thương yêu với trẻ sẽ làm được.

Trân trọng cảm ơn bà!

"Tôi đã từng trực tiếp đi xử lý vụ việc, một đứa trẻ đã bị hắt cả xô phân người trộn dầu hỏa lên người chỉ vì mâu thuẫn giữa hai người lớn, đó là mẹ của bé và bà hàng xóm. Bản thân người quay clip và chính quyền địa phương cũng chỉ cho rằng, đó là bạo hành giữa người lớn và không biết, còn một câu chuyện khác, đó là bạo hành trẻ em. Vụ việc cho thấy, cần rất nhiều phương pháp, hình thức để nâng cao nhận thức cho người dân và cả chính quyền địa phương về vấn đề này", Đại biểu Quốc hội khóa XIV Phạm Minh Hiền.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top