Tại các lò mổ công nghiệp, quy trình luôn đảm bảo để thực phẩm có được chất lượng tốt nhất. |
Hà Nội hiện có hơn 700 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có khoảng 7 cơ sở công nghiệp, hơn 50 cơ sở bán công nghiệp, còn lại là các cơ sở giết mổ thủ công. Đa số những điểm giết mổ này không tập trung, thường nằm rải rác ở các chợ, khu dân cư, chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Thực trạng trên cho thấy, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm rất khó khăn, đặc biệt nguy cơ giết mổ động vật chết, động vật mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm là rất lớn.
Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, chủ cơ sở lò mổ P.A, tại Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội cho biết, cơ sở giết mổ gia súc nhà ông đã hoạt động 15 năm. Cơ sở bắt đầu hoạt động từ 0h30 hằng ngày và giết mổ khoảng 35-40 con lợn. Nguồn hàng nhập từ các trang trại lợn Ba Vì, Vĩnh Phúc, Ninh Bình… đều được qua kiểm duyệt an toàn.
Ông P.A. đã nắm được thông tin về cơ chế chuyển mổ thủ công sang mổ công nghiệp nhưng chi phí lắp đặt máy móc, cơ sở hạ tầng cho lò mổ công nghiệp rất lớn. Điều này sẽ kéo theo việc tăng giá, dẫn tới các mối hàng sẽ tìm nơi có giá thấp hơn để lấy hàng.
Theo bà H, (người dân ở Hải Bối): “Việc các lò mổ hoạt động liên tục từ đêm tới sáng, tiếng kêu la thảm thiết của trâu bò bị giết, gây sợ hãi cho trẻ nhỏ và ám ảnh giấc ngủ của cư dân. Chưa kể mùi phân thải bốc lên khiến rất mất vệ sinh môi trường”.
“Chuyện trâu bò sổng chuồng, chạy lung tung trên đường xảy ra như cơm bữa. Mới đây còn xảy ra vụ một con trâu từ đâu xuất hiện, lao vào một người đi xe máy trên đê. Nạn nhân bị trâu điên hất tung lên cao và rơi xuống thân đê, bất tỉnh nhân sự”, chị H, một người dân chứng kiến sự việc cho biết.
Tại quầy bán thịt lợn ở chợ tạm trên phố Đê La Thành, hai vợ chồng anh Trung- Dương (nhà ở Bắc Ninh) chia sẻ, mỗi ngày anh chị bán hết khoảng 1 con lợn chỉ trong buổi sáng, chủ yếu bán cho khách quen. Thịt được nhập ở lò mổ gần nhà. Tuy nhiên, tiểu thương này cũng không chắc chắn về vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại lò mổ - nơi lấy hàng.
Thông thường, người tiêu dùng chủ yếu mua thịt tươi được giết mổ trong ngày tại các chợ dân sinh. Việc phân biệt chất lượng thực phẩm chủ yếu bằng kinh nghiệm cảm quan.
“Kinh nghiệm đi chợ lâu năm, những bà nội trợ như chúng tôi nhìn miếng thịt nào ngon là biết ngay, thớ thịt cắt ra đỏ hồng, ấn tay vào mềm và có độ dính. Để tránh mua phải thịt kém chất lượng thì ai cũng có mối tại các quầy thịt quen”, Chị Nguyễn Thu Huyền, Khâm Thiên, Hà Nội nói.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội.
Từ đầu năm 2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 761/QĐ-UBND phê duyệt mạng lưới các cơ sở giết mổ tập trung. Theo đó, đến năm 2030, toàn TP sẽ có 29 cơ sở giết mổ tập trung được xây dựng theo quy hoạch tại 14 huyện, thị xã. Tuy nhiên, việc triển khai Quyết định số 761/QĐ-UBND thực tế còn nhiều khó khăn. Đến nay, toàn TP mới xây dựng được 12/29 cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.
Khoa học & Đời sống giới thiệu một số hình ảnh hoạt động của cơ sở giết mổ tại Hà Nội:
Công nhân tiến hành mổ lợn trên sàn gạch, nguy cơ cao mất vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Các cơ sở này không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, cơ quan thú y khó kiểm tra, kiểm soát theo quy định. |
Việc bán thịt lợn trên vỉa hè, chợ tạm ở nhiều tuyến phố được coi như rất bình thường trên địa bàn Hà Nội. |
Lò mổ 75 phố Lĩnh Nam. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có hơn 22 nghìn cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Tại các cơ sở này, tỷ lệ kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm ở mức thấp, hoặc không kiểm soát được (không có đăng ký kinh doanh), không truy xuất được nguồn gốc đối với sản phẩm chăn nuôi. Trước tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các lò mổ thủ công, UBND TP HCM quy định từ ngày 1/4, tất cả cơ sở giết mổ gia súc thủ công hiện hữu đều dừng hoạt động (trừ cơ sở Trung Tuyến - huyện Cần Giờ, công suất 15 con/ngày phục vụ người dân trên địa bàn).
Ngày 14/1/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.