Tác giả (phải) và nhân vật Nguyễn Thành Vinh ở Thái Nguyên.
Nghiền ngẫm chủ đề, nội dung cuộc thi, tôi lên một danh sách những nhân vật đã từng có thời gian sống, chiến đấu, làm việc bên nhau theo thứ tự xa - gần để lên lịch gặp gỡ, trao đổi... lấy tư liệu cho bài viết.
Để tránh cho nhân vật có cảm giác mình “bị phỏng vấn”, tôi khéo léo gợi chuyện ôn lại những kỷ niệm cũ và khai thác thêm những chi tiết mới để họ nói hết được những suy nghĩ, nhận thức biểu hiện thành hành động và ghi chép cẩn thận trong cuốn sổ riêng mang theo.
Việc tôi ghi chép tỉ mỉ đã làm cho nhân vật thấy lạ, đến lúc xin chụp ảnh thì bị “phỏng vấn” ngược, tại sao lại phải ghi ghi chép chép, rồi chụp ảnh để làm gì?... Không giấu được nên tôi đành phải nói rõ mục đích. Có người gợn chút lăn tăn nhưng được thuyết phục thì đồng tình ủng hộ và cũng có người còn ngại không muốn mình “lên báo”. Những lúc đó tôi lại phải làm tư tưởng, thuyết phục nhân vật để họ đồng ý chia sẻ những bí quyết sống khỏe của mình.
Mỗi bài dự thi được gửi đi, trong lòng tôi luôn hồi hộp chờ đợi, và thực sự mừng rỡ khi bài thi được đăng. Để chia sẻ niềm vui của mình, tôi thường gọi điện cho nhân vật để thông báo và cùng nhau chờ nhận được tờ báo biếu có dòng chữ đỏ “Kính biếu” trang trọng ở trang đầu.
Cuộc thi ấy, nhân vật tôi viết đã đạt Giải Nhì. Đó là thương binh Phạm Như Xuất với việc kiên trì tìm tòi phát hiện, bổ sung hoàn chỉnh thông tin cho 138 bia mộ liệt sĩ cùng đơn vị chiến đấu ở chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, giúp thân nhân gia đình tìm được chính xác nơi yên nghỉ của liệt sĩ. Ông Xuất cho biết, có một người đồng hương với ông ở Thái Bình sau khi đọc bài viết về ông đã liên lạc trao đổi và cùng nhau phối hợp cộng tác tiếp tục thực hiện công việc mang đậm tính nhân văn này.
Tiếp đến là các cuộc thi với chủ đề “Bách niên giai lão”, “Lăng kính tuổi vàng”, “Bí quyết Sống khỏe 2017” và cuộc thi “Để luôn khỏe đẹp”. Từ kết quả khả quan của cuộc thi đầu tiên tham dự đã tạo ra một “cú hích” giúp tôi có thêm động lực, mạnh dạn “dấn thân” tiếp tục phát hiện, giới thiệu nhân vật và lại “mài bút” viết bài dự thi. Cũng như lần thi trước, tôi lên danh sách nhân vật phù hợp với từng chủ đề, lên lịch hẹn gặp và làm việc... Qua những cuộc thi do KH&ĐS phát động, tôi đã chọn, giới thiệu trên báo được trên 70 nhân vật với cuộc sống, nghề nghiệp riêng nhưng đều có điểm chung là suy nghĩ, hành động cổ súy cho cái đẹp, vì cái đẹp, vì sự chuẩn mực của đạo đức lối sống... góp phần ngăn chặn sự vô cảm, tham gia xây dựng xã hội văn minh, thấm đẫm tình người hoặc có những bí quyết giữ gìn sức khỏe, tập luyện thể dục... ngăn ngừa bệnh tuổi già.
KH&ĐS sắp bước sang tuổi 60, tôi rất mong, báo duy trì và phát huy những chuyên mục phong phú, hấp dẫn, thiết thực, bên cạnh đó sẽ có thêm phần “đất” dành làm “sân chơi” bổ ích cho những “phóng viên” nghiệp dư. Xin được trân trọng cảm ơn Quý Ban lãnh đạo, Quý Ban biên tập Báo KH&ĐS. Kính chúc Quý báo giữ vững được truyền thống và tiếp tục là một tờ báo thân thiết với mọi nhà.
Khúc Văn Quý (Hai Bà Trưng, Hà Nội)