Bác sĩ chỉ liệu pháp giúp F0 tự khỏi bệnh sau 7 ngày

Các bác sĩ tại TP.HCM cho biết nhiều bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng đã tự khỏi bệnh và xuất viện chỉ nhờ việc ăn ngủ đầy đủ và duy trì tâm lý tốt.

"Ủa sao kỳ vậy? Sao không có tên tui?", nữ bệnh nhân chau mày hỏi lại vị bác sĩ đang đứng ở cửa phòng.

Khi các bác sĩ rời đi, chị vẫn đuổi theo, gặng hỏi xem có sót tên của mình không. Trong căn hộ có 10 bệnh nhân Covid-19 ở chung, 7 người được thông báo âm tính, 3 người còn lại vẫn dương tính.

Căn phòng tối hôm đó không còn tiếng nói cười rôm rả, mỗi người mang một niềm riêng. Họ cũng chủ động tách nhau ra thành 2 nhóm "âm" và "dương". Những người âm tính rRT-PCR sẽ được xét nghiệm nhanh sáng hôm sau để đủ thủ tục xuất viện.

Khỏi bệnh nhờ ăn ngủ điều độ

TP.HCM vừa ghi nhận lượng bệnh nhân Covid-19 ở đợt dịch thứ 4 được xuất viện ở mức trên 2.000 người trong 4 hôm vừa qua. Nhóm người khỏi bệnh chủ yếu tập trung ở các bệnh viện dã chiến được thành lập từ sớm và chuyên điều trị các bệnh nhân nhẹ.

Trao đổi với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2, cho biết đến nay bệnh viện đã có 1.820 bệnh nhân xuất viện.

Đề cập đến phương pháp điều trị, bác sĩ Dũng cho biết ở hầu hết trường hợp khỏi bệnh không cần dùng thuốc. Người bệnh chỉ ăn uống, ngủ nghỉ điều độ rồi sau thời gian sẽ âm tính với SARS-CoV-2.

"Có 4 điều chúng tôi luôn khuyên bệnh nhân là đi ngủ sớm để duy trì sức khỏe, uống nhiều nước, cố gắng ăn hết suất ăn của mình và tập thể dục để rèn luyện sức khỏe", bác sĩ Dũng nói.

Qua thống kê các trường hợp khỏi bệnh, bác sĩ Dũng nhận định mỗi người sẽ mất khoảng 7 ngày từ khi nhập viện đến khi có lần xét nghiệm âm tính đầu tiên. Ông đánh giá tốc độ hồi phục như vậy là nhanh bởi trước đó ngành y tế ước lượng F0 không triệu chứng sẽ khỏi bệnh sau 3 tuần.

"Những người bị suy giảm miễn dịch thì tốc độ phục hồi chậm hơn người khỏe mạnh. Phục hồi nhanh nhất là những người đã tiêm một mũi vaccine, họ chỉ như bị cảm thoáng qua", lãnh đạo bệnh viện chia sẻ.

Bác sĩ Dũng cho biết bệnh nhân thường chỉ cần uống thuốc khi có triệu chứng ho, sốt. Đây là các triệu chứng tiêu hao nhiều năng lượng, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi nên bệnh nhân cần được uống thuốc ngay.

Chúng tôi tập trung nâng thể lực, sức đề kháng của bệnh nhân và chờ họ tự phục hồi.

Bác sĩ Trần Văn Khanh

Tại bệnh viện dã chiến số 3, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện, cho biết đã có 350 bệnh nhân Covid-19 xuất viện. Họ đa phần là ca bệnh không triệu chứng và tự khỏi bệnh sau 8-10 ngày.

"Virus này chưa có thuốc đặc trị. Chúng tôi tập trung nâng cao thể lực và sức đề kháng của bệnh nhân và chờ họ tự phục hồi", ông Khanh chia sẻ.

Hiện, số bệnh nhân Covid-19 được xuất viện tại TP.HCM đã tăng đáng kể (2.000 người/ngày) nhưng vẫn chưa bằng một nửa số ca mắc mới (hơn 5.000 ca/ngày). Các bác sĩ cho biết số phòng trống do bệnh nhân khỏi bệnh rời đi lập tức được lấp đầy bởi các ca mới chuyển đến.

Liệu pháp ngăn ngừa suy hô hấp

Ngược với xu hướng tự phục hồi, bác sĩ Khanh cho biết mỗi ngày ở bệnh viện của ông vẫn có khoảng 20 ca bệnh trở nặng cần cấp cứu.

"Về nguyên tắc, những ca bệnh trở nặng phải được chuyển lên tuyến cao hơn, nhưng tình hình các bệnh viện cũng đang quá tải nên chúng tôi phải có giải pháp tại chỗ", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Dù chỉ là bệnh viện ở tầng 1 (điều trị ca bệnh không triệu chứng), Bệnh viện dã chiến số 3 vẫn thiết lập được một phòng cấp cứu 15 giường với máy thở oxy dòng cao, thiết bị đặt nội khí quản và các loại thuốc đặc trị.

Lãnh đạo bệnh viện cho biết đã có nhiều bệnh nhân không thể chuyển viện, buộc phải dùng nhân lực và thiết bị tại chỗ để cấp cứu. Nhờ hội chẩn từ xa với các bệnh viện tuyến trên, nhiều ca bệnh đã phục hồi.

Để giúp bệnh nhân phục hồi tổn thương phổi và tránh rơi vào trạng thái suy hô hấp, bác sĩ Calvin Q Trinh, khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM, đã biên soạn các bài tập thở và vận động nhẹ với tạ, khăn. Clip bài giảng đã được gửi cho nhiều bệnh nhân F0 và nhận được phản hồi tích cực.

Khi dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, mỗi người cần trang bị kỹ năng, chuyển từ thụ động sang chủ động bảo vệ sức khỏe.

Bác sĩ Calvin Q Trinh

"Các bài tập sẽ giúp cơ thể bệnh nhân có nhiều oxy hơn, tăng cường thông khí và sức bền các cơ hô hấp. Chúng làm giảm các triệu chứng khó thở, lo lắng và trầm cảm và cuối cùng cải thiện các chức năng thể chất, tâm lý", bác sĩ Calvin Q Trinh chia sẻ.

Bác sĩ Calvin Q Trinh lưu ý khi bệnh nhân rơi vào trạng thái khó thở, suy hô hấp mà chưa gọi ngay được lực lượng y tế, các bài tập thở sẽ giúp khai thông đường hô hấp và mở lồng ngực. Người nhà cần giúp bệnh nhân bình tĩnh để thở sâu và đều. Càng hốt hoảng, thở gấp thì tình trạng càng xấu đi nhanh chóng.

Bên cạnh các bài tập nhẹ nhàng, chuyên gia phục hồi chức năng lưu ý bệnh nhân cần sinh hoạt điều độ, không thức đêm làm hao mòn thể lực, ăn uống hợp lý, tăng cường chất lỏng, nước ép, khẩu phần có thịt cá để bổ sung vitamin, kẽm cho hệ miễn dịch.

"Khi dịch bệnh có chiều hướng gia tăng nhanh, mỗi người cần trang bị kỹ năng, chuyển từ trạng thái thụ động sang chủ động sẵn sàng bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân", chuyên gia phục hồi chức năng chia sẻ.

 
 
 
Theo zingnews.vn
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top