Bác sĩ cấy loạt chip điện tử vào tay để thay cho chìa khóa, thẻ ngân hàng…

Một bác sĩ người Nga đã cấy hàng loạt chip điện tử vào 2 tay của mình để giúp cho cuộc sống trở nên tiện nghi, hiện đại hơn.
Bác sĩ cấy loạt chip điện tử vào tay để thay cho chìa khóa, thẻ ngân hàng… - 1

"Bác sĩ chip" Alexander Volchek chỉ vào vị trí một con chip đang nằm trong tay của mình.

Alexander Volchek, một bác sĩ sản khoa sống tại thành phố Novosibirsk (Nga), được các đồng nghiệp đặt cho biệt danh "Bác sĩ chip", sau khi Volchek cấy vào 2 cánh tay của mình một số chip điện tử tí hon, giúp cho cuộc sống hàng ngày trở nên thuận tiện hơn.

Volchek bắt đầu tìm hiểu về cấy chip vào cơ thể người sau khi đọc được một bài báo về việc cấy ghép chip cho động vật từ những năm 2000 để theo dõi hoạt động của các loài động vật này. Đến năm 2014, vị bác sĩ này đã cấy ghép con chip đầu tiên vào cánh tay của mình, đó là con chip thay thế thẻ từ vào/ra câu lạc bộ trượt tuyết mà Volchek thường ghé thăm vào mùa đông.

Đến năm 2017, tên tuổi của Volchek được truyền thông tại Nga chú ý và biệt danh "Bác sĩ chip" được ra đời, khi anh cấy ghép hàng loạt chip khác nhau vào cả 2 cánh tay, bao gồm một chip thay thế thẻ từ đi xe buýt; chip để thay thế thẻ từ vào/ra tại nơi làm việc; một con chip chứa thông tin liên lạc cá nhân, giúp Volchek có thể dễ dàng chia sẻ số điện thoại, địa chỉ nhà riêng của mình với người khác thông qua công nghệ NFC và một con chip lưu trữ tất cả mật khẩu tài khoản của mình đã được mã hóa.

Bác sĩ cấy loạt chip điện tử vào tay để thay cho chìa khóa, thẻ ngân hàng… - 2

Những con chip của Volchek có kích thước rất nhỏ gọn.

Bác sĩ cấy loạt chip điện tử vào tay để thay cho chìa khóa, thẻ ngân hàng… - 3

Hình chụp phim X-Quang với một con chip trong tay của Volchek.

Mới đây nhất, Volchek đã tiếp tục cấy ghép thêm một con chip vào cánh tay để thay thế cho thẻ ngân hàng, cho phép Volchek có thể rút tiền từ máy ATM hoặc thực hiện thanh toán không dây bằng cách đưa bàn tay vào mắt đọc tín hiệu NFC tích hợp trên máy ATM hoặc máy POS, thay vì phải sử dụng thẻ vật lý như bình thường.

Giờ đây, Volchek có thể dễ dàng mở cửa tại nơi làm việc chỉ bằng một cú vẫy tay hoặc có thể rút tiền từ máy ATM hoặc thực hiện thanh toán không dây chỉ bằng cách đưa cánh tay đến gần máy rút tiền... Volchek cũng có thể chia sẻ thông tin cá nhân, số điện thoại của mình với người khác bằng cách đưa bàn tay đến mặt lưng smartphone của họ (với các máy có hỗ trợ công nghệ giao tiếp trường gần NFC)…

"Vì đặc thù công việc, tôi không thể mang ví bên mình mà luôn phải cầm thẻ từ tại nơi làm việc, đôi khi tôi đã làm mất tấm thẻ khiến công việc bị ảnh hưởng", Volchek chia sẻ. "Giờ đây, tôi chỉ cần đưa cánh tay của mình lên, không cần quan tâm đến việc giữ gìn các tấm thẻ từ. Điều này giúp cho cuộc sống của tôi trở nên dễ dàng hơn rất nhiều".

Những con chip bác sĩ Volchek sử dụng có kích thước siêu nhỏ, chỉ 2x12mm, tối thiểu 1,5x7mm, với thiết kế như một con nhộng bằng thủy tinh y sinh, chứa một vi mạch rất nhỏ bên trong. Những con chip này được cấy ghép vào da bằng một xi lanh kích thước lớn. Volchek cho biết những con chip này không hề gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày và có thể lấy ra bất cứ khi nào nếu muốn.

Bác sĩ cấy loạt chip điện tử vào tay để thay cho chìa khóa, thẻ ngân hàng… - 4

Xi lanh cỡ lớn dùng để cấy ghép chip vào tay, thay vì phải phẫu thuật.

Sau nhiều năm thử nghiệm cấy ghép chip lên cơ thể mình, Volchek đã trở thành "người truyền bá" và khuyến khích những người khác cùng cấy ghép chip vào cơ thể. Những con chip đều do Volchek tự phát triển và đích thân vị bác sĩ này đã cấy chip cho hơn 200 người khác nhau, bao gồm cả vợ của mình.

Volchek cho biết điều cảm thấy tiếc nuối nhất hiện nay đó là công nghệ chip dành cho cơ thể vẫn còn phát triển quá chậm so với nhu cầu thực tế. Ngoài các loại chip giúp cho cuộc sống hàng ngày trở nên tiện lợi, Volchek bày tỏ sự quan tâm đến việc thử nghiệm các loại chip y tế, như máy đo huyết áp hoặc lượng đường trong máu… có thể cấy ghép vào cơ thể để cảnh báo khi có dấu hiệu bất thường, tuy nhiên, những hạn chế về công nghệ vẫn chưa cho phép tạo ra những loại chip như vậy.

"Bởi vì các thiết bị cấy ghép y tế vẫn chưa thu nhỏ đủ mức và chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng nên vẫn chưa thể có các thiết bị như vậy để cấy ghép vào người, đó quả nhiên là một điều đáng tiếc", bác sĩ Volchek chia sẻ.

Việc cấy ghép chip vào cơ thể đang được thử nghiệm tại nhiều quốc gia. Năm 2018, hàng ngàn người Thụy Điển đã cấy ghép một con chip điện tử vào dưới da của mình để thay thế cho thẻ căn cước, chìa khóa nhà hoặc vé đi tàu… Tỷ phú công nghệ Elon Musk cũng đã bày tỏ sự tham vọng phát triển chip có thể cấy ghép vào não người, sau đó tải các dữ liệu vào bộ não để giúp cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn cho người được cấy ghép.

Bác sĩ cấy loạt chip điện tử vào tay để thay cho chìa khóa, thẻ ngân hàng…

T.Thủy
Theo SoMag/RT

Theo dantri.com.vn
Có gì mới trong macOS Sequoia?

Có gì mới trong macOS Sequoia?

Apple đã chính thức giới thiệu macOS 15 Sequoia, phiên bản mới nhất của hệ điều hành dành cho máy Mac. macOS Sequoia là một bản cập nhật miễn phí, có thể được tải xuống trên các dòng máy.
back to top