Bác sĩ Bạch Mai chi viện cho An Giang: Nỗ lực triển khai kỹ thuật cao để cứu sống bệnh nhân Covid-19 nặng

Trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn tại khu ICU của Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang nhưng với quyết tâm cao nhất để cứu sống các bệnh nhân Covid-19 nặng, các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai kỹ thuật ECMO để cứu sống người bệnh.

Triển khai ECMO nỗ lực cứu sống bệnh nhân Covid-19 nặng

Chia sẻ về ca ECMO đầu tiên triển khai tại An Giang, TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai tại An Giang cho biết: Đó là một bệnh nhân nam, 61 tuổi, tiền sử tăng huyết áp mạn tính, ở nhà xuất hiện ho sốt, khó thở.

Bệnh nhân đã được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành 4 ngày với chẩn đoán Viêm phổi nặng do Sar-Covid-2, tuy nhiên, tình trạng bệnh không cải thiện, suy hô hấp nặng và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang ngày 23/12/2021.

Tại Khoa ICU 2 chuyên thu dung và điều trị các bệnh nhân nhiễm Sar-Covid-19 nặng và nguy kịch, bệnh nhân được tiếp nhận và xử trí theo phác đồ của Bộ Y tế, dùng kháng sinh, kháng virus và lọc máu hấp phụ. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng tồi hơn, phổi tổn thương nặng cả 2 bên phế trường, oxy máu rất thấp, không đáp ứng với tất cả liệu pháp oxy.

Trong tình cảnh rất khó khăn và thiếu thốn tại Khu điều trị ICU 2, thiếu nhân lực và trang thiết bị vật tư, hệ thống khí nén không đảm bảo… Nhưng trước tình thế bệnh nhân diễn biến rất nặng, hoàn cảnh lại khó khăn. Vợ của bệnh nhân vừa mất cách đây 2 tháng, chỉ còn 2 con gái. Bệnh nhân vừa phải làm xe ôm vừa làm bốc vác để nuôi sống gia đình.

_trien_khai_ecmo.jpg
Ekip triển khai ca ECMO để nỗ lực cứu sống bệnh nhân Covid-19 nặng.

Với nỗ lực và quyết tâm cao nhất để cứu sống bệnh nhân, Đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai tại An Giang cùng với các y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm dưới sự chỉ đạo và động viên của các thầy cô tại Hà Nội đã cố gắng vượt qua những khó khăn và thiếu thốn, thiết lập nhanh một phòng khép kín đầy đủ trang thiết bị cần thiết để tiến hành vào ECMO giúp duy trì sự sống để mong chờ bệnh nhân sẽ cải thiện dần qua các ngày tiếp theo.

Tuyến TƯ vào tuyến tỉnh để cầm tay chỉ việc

Chia sẻ về trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, chuyên gia hàng đầu về hồi sức cấp cứu đã vào An Giang để trực tiếp khảo sát, điều hành, cầm tay chỉ việc cho các khu ICU chuyên thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng cho biết: Kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo hay còn gọi là hoạt động hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể) là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy cũng như hồi sức nâng cao.

ECMO là kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, hiện đại, được ví như cứu cánh cuối cùng cho những ca bệnh nặng và chỉ mới được thực hiện ở các bệnh viện lớn tại Việt Nam.

trien-khai.jpg
Hiện tại, tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nặng nhưng các y bác sĩ 2 bệnh viện đều cố gắng không ngừng để cứu sống được bệnh nhân.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi nhấn mạnh: "Hỗ trợ An Giang vừa là tình cảm vừa trách nhiệm của Bạch Mai đối với ngành y tế và nhân dân cả nước. Đảng ủy, Ban Giám đốc, Hội đồng quản lý và trực tiếp là PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc Phụ trách điều hành Bệnh viện đã trực tiếp vào An Giang khảo sát tình hình dịch và luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao hoạt động này".

Trong các buổi làm việc và trao đổi giữa Ban Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Sở Y tế An Giang, Bạch Mai luôn quyết tâm triển khai kỹ thuật cao tại An Giang để khẳng định trách nhiệm và cam kết hỗ trợ chuyên môn của Ban Lãnh đạo Bệnh viện với nhân dân và ngành y tế An Giang. Điều này cũng là cơ sở để ngành y tế An Giang khẳng định với người dân quyết tâm phát triển chuyên môn chống dịch.

Đây cũng là minh chứng khẳng định thương hiệu của Bạch Mai - Một Bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước, dù bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng triển khai kỹ thuật cao, thông qua đó đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương trong cả nước.

Chia sẻ nhanh về ca bệnh này từ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, ThS.BS Nguyễn Bá Cường, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ chính thực hiện kỹ thuật ECMO trên bệnh nhân 61 tuổi này cho biết: Ngày thứ 3 sau tiến hành ECMO (sáng 26/12/2021), bệnh nhân đã được rút ống thở HFNC và đang có dấu hiệu hồi phục. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nặng nhưng các y bác sĩ 2 bệnh viện đều cố gắng không ngừng để cứu sống được bệnh nhân.

Đó cũng là lời hứa, là quyết tâm của các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai trong ngày xuất quân lên đường vào An Giang làm nhiệm vụ.

Theo VietnamDaily
Nguy kịch vì uống mật cá trắm tẩm bổ

Nguy kịch vì uống mật cá trắm tẩm bổ

Mật của cá trắm từ 3 kg trở lên nguy cơ gây ngộ độc rất cao. Khi nuốt vào dạ dày, chất độc này gây tổn thương, viêm, loét đường tiêu hóa,… Sau đó nhanh chóng làm tổn thương, suy thận, hoại tử ống thận, tổn thương gan gây suy gan…
back to top