An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp cần xây dựng kịch bản ca mắc Covid-19 tăng cao

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị ba tỉnh chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chuyên môn đánh giá mức độ nguy cơ tại cấp xã, huyện để đưa ra giải pháp phù hợp; có sự phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19…

Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao nỗ lực phòng chống Covid-19 của ba tỉnh. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên cả nước, nguy cơ lây nhiễm dịch vẫn còn cao.

Vì vậy, các tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện một số nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các hướng dẫn theo dõi, giám sát, điều trị của Bộ Y tế. Tổ chức cách ly kịp thời, nghiêm túc, chặt chẽ và phát hiện nhanh, phong tỏa sớm các ca bệnh để hạn chế dịch lây lan ra cộng đồng.

Cùng với đó, địa phương cần xây dựng các kịch bản khi có ca bệnh tăng cao; đảm bảo an toàn, không để đội ngũ y tế bị lây nhiễm chéo.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với tổ công tác của Bộ Y tế vào hỗ trợ tỉnh để nâng cao hơn nữa năng lực xét nghiệm cũng như hệ thống giám sát y tế điện tử từ tỉnh xuống tận các phường, xã, thị trấn… nhằm đảm bảo công tác điều phối quản lý chặt chẽ các trường hợp điều Covid-19.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, xây dựng kế hoạch cụ thể đối với lượng vaccine được Bộ Y tế phân bổ.

Ngoài ra Thứ trưởng yêu cầu Tổ công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại mỗi tỉnh phải thành lập 3 nhóm và các địa phương cũng phải thành lập lực lượng với 3 nhóm để phối hợp thực hiện. Bao gồm nhóm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng và doanh nghiệp; nhóm điều trị và xét nghiệm; nhóm ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong phòng, chống dịch.

Khi tổ công tác của Bộ Y tế đến làm việc, các sở, ngành, huyện phải bố trí lịch làm việc và có lãnh đạo đơn vị tham dự; từng Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải được phân công phụ trách địa bàn.

Tổ công tác xây dựng lịch công tác hằng tuần trên cơ sở đề xuất của từng nhóm; các tổ, nhóm công tác sẽ có sự hỗ trợ nhau trong phòng, chống dịch giữa các địa phương. Thực hiện nghiêm quy định về công tác, chế độ báo cáo, nhất là khi báo cáo về Trung ương phải có sự thống nhất giữa tổ công tác và địa phương.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị ba tỉnh chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chuyên môn của tỉnh đánh giá mức độ nguy cơ tại cấp xã, huyện để đưa ra giải pháp phù hợp; có sự phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19; xây dựng kế hoạch truyền thông để người dân nắm được tình hình phòng, chống dịch.

Tại tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 02/8 đã có 3.297 ca mắc Covid-19, 618 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện, đang điều trị 2.157 bệnh nhân. Tỉnh đã xây dựng phương án trên 18.000 giường phục vụ công tác cách y tập trung và bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly khoảng 4.500 giường, trong đó có 150 giường hồi sức cấp cứu. Tỉnh đã phân tầng điều trị bệnh nhân Covid-19 và đã triển khai cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại tỉnh An Giang, theo báo cáo của Sở Y tế, toàn tỉnh có 366 ca mắc Covid-19. Hiện tỉnh đã trang bị 3 hệ thống xét nghiệm Realtime-PCR cho Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh tại Châu Đốc và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh với năng lực xét nghiệm khoảng 1.200 mẫu đơn/ngày.

Cùng với 18 tỉnh, thành phía Nam, An Giang đã thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh từ 00 giờ ngày 19/7/2021.

Còn tại tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có 940 ca mắc Covid-19, 147 bệnh nhân được điều trị khỏi, hiện Vĩnh Long có 11 cơ sở điều trị có khả năng đáp ứng cho 326 giường bệnh.

Về cách ly y tế Vĩnh Long đã cách ly tập trung 2.745 và 6.722 người đang theo dõi cách ly tại nhà. Về xét nghiệm năng lực xét nghiệm của tỉnh có thể đạt từ 1.500-1.800 mẫu/ngày. Tỉnh cũng đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 39.277 người.

Theo vneconomy.vn
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top