Hại hay không hại?
Theo lộ trình từ năm 2023 sẽ chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng (hay còn gọi là Fibro ximăng) do lo ngại amiăng trắng độc hại và là tác nhân gây ung thư đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế cảnh báo rất nhiều lần. Tuy nhiên, Hiệp hội tấm lợp Việt Nam lại quả quyết amiăng trắng không nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng bằng việc gửi tài liệu liên quan đến nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Báo KH&ĐS. Theo Hiệp hội tấm lợp Việt Nam, tại Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào do amiăng trắng gây ra. Vậy, tại sao lại vận động cấm amiăng trắng?
Cũng theo Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Đức, Áo, Úc, Hoa Kỳ, Canada cho thấy không phát hiện bụi sợi amiăng trong các khu dân cư có mái lợp amiăng xi măng. Các nghiên cứu khác cũng đều cho thấy, bệnh đường hô hấp, sức khỏe và tuổi thọ của người dân tiếp xúc với amiăng trắng không có gì khác so với những người không tiếp xúc. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được phép sử dụng amiăng trắng để sản xuất tấm lợp.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, theo các nghiên cứu của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới, amiang trắng rất độc hại. Nhiều nước đã cấm sử dụng loại vật liệu này từ lâu, Việt Nam không có lý do gì để trì hoãn, vì sức khỏe của hàng triệu người dân.
Hàng chục năm mới phát tác
GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, bệnh bụi phổi amiăng đã được đưa vào danh sách bệnh nghề nghiệp được Nhà nước bồi thường từ năm 1976, nhưng có nhiều lý do, cho đến nay mới có 3 trường hợp được công nhận là bệnh bụi phổi amiang và được bồi thường. Việc phát hiện có 3 trường hợp bị bệnh phổi amiăng, có thể là do những nguyên nhân như việc giám sát sức khỏe cho người lao động chưa liên tục, người lao động khi chuyển công việc không được theo dõi về tiền sử tiếp xúc với amiang hoặc khi nghỉ hưu, người lao động ít được quan tâm về bệnh amiang; Không có các trung tâm đăng ký người lao động tiếp xúc với amiăng nên khó theo dõi được lịch sử tiếp xúc;
Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp có tuổi đời trẻ, dưới 15 năm, trong khi thời gian ủ bệnh lại từ 15 năm trở lên nên người lao động tại các cơ sở sản xuất nhỏ ít có điều kiện kiểm tra sức khỏe; Kinh nghiệm chẩn đoán, phát hiện amiăng còn ít, nguồn lực kém trong khi đó bệnh amiăng khá phức tạp, không dễ phát hiện; Ngoài ra, các nghiên cứu dịch tễ học của Việt Nam còn chưa sâu. Mặc dù các kết quả điều tra về những bệnh liên quan đến amiăng ở Việt Nam chưa đưa ra những con số báo động về tỷ lệ mặc bệnh và tỷ lệ chết do amiăng vì nhiều lý do khác nhau nhưng các nghiên cứu của những nước tiên tiến trên thế giới đã chỉ ra tính nguy hiểm của amiăng cũng như tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết ngày càng tăng cao của những người tiếp xúc với amiăng.
Theo PGS,TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, hiện nay, tại nước ta có khoảng 40 cơ sở sản xuất tấm lợp có amiăng. Tại cộng đồng, người dân sử dụng tấm lợp amiăng để lợp mái nhà, bếp, chuồng trại chăn nuôi. Người sử dụng có nguy cơ nhiễm amiăng từ hoạt động khoan, cắt, lắp đặt, tháo dỡ tấm lợp, từ nguồn phế thải từ tấm lợp. Các chất thải có chứa amiăng có khả năng làm tăng tỷ lệ mắc ung thư do sợi amiăng xâm nhập cơ thể qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da. Thí dụ, khi được hít vào cơ thể qua đường hô hấp, sợi amiăng sẽ xâm nhập vào phổi, gây tổn thương tế bào biểu mô, dẫn tới các bệnh về phổi như ung thư phổi, ung thư biểu mô. Thời gian ủ bệnh từ 10-40 năm.