Lợi nhuận tài chính bù đắp cho kinh doanh dược
Sang quý 1/2021, doanh thu bán hàng của Dược Cửu Long có phần đi xuống, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu giảm ở hầu hết các nhóm hàng, do sự cạnh tranh về giá. Trong mảng dược phẩm, doanh thu các sản phẩm chiến lược tương đương sinh học chưa được công bố theo đúng kế hoạch nên ảnh hưởng tới việc triển khai đấu thầu thuốc.
Mặc dù giá vốn đã giảm đáng kể, nhưng vẫn không đủ kéo tăng lợi nhuận gộp ngang bằng với cùng kỳ năm ngoái, còn 46 tỷ đồng, thấp hơn giá trị thực hiện quý 1/2020 2 tỷ đồng.
Chi phí cao, đặc biệt là chi phí quản lý tăng ảnh hưởng rõ ràng đến lợi nhuận thuần của Dược Cửu Long. Tuy nhiên, nhờ những khoản doanh thu từ hoạt động tài chính, Dược Cửu Long vẫn đưa lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm ngoái. Mức chênh lệch lợi nhuận giữa 2 quý đầu năm 2020 và 2021 đúng bằng lợi nhuận tài chính công ty thu về là 5 tỷ đồng.
Những khoản thu này chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng của Dược Cửu Long với gần 15 tỷ đồng và hơn 2 tỷ đồng từ hoạt động hợp tác đầu tư. Trong khi đó, chi phí tài chính cũng giảm đáng kể còn 11 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá thấp.
Mặc dù Dược Cửu Long ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty lại bị hao hụt đi rất nhiều, âm gần 13 tỷ do những biến động về hàng tồn kho và các khoản phải trả. Trong khi 3 tháng đầu năm 2020, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh là dương 71 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ, tại thời điểm 31/1/2021, nợ phải trả của Dược Cửu Long là 832 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngân hàng 390 tỷ đồng và 453 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu.
Đầu năm 2018, Dược Cửu Long phát hành thành công 20 triệu USD giá trị trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư Hàn Quốc Rhinos Asset Management Co. LTD để đầu tư bổ sung vốn lưu động của Công ty và cho công ty con là Công ty Cổ phần Thuốc Ung thư Benovas vay. Giá trị quy đổi sang VND của số trái phiếu này hiện nay là 453 tỷ đồng.
Dược Cửu Long đang kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chào bán riêng lẻ 14 triệu cổ phiếu, tương đương 142 tỷ đồng. Nhiều năm nay, công ty không thực hiện chia cổ tức.
Có liên quan hay không vụ án hình sự?
Trong những ngày gần đây, Dược Cửu Long được nhắc đến nhiều hơn do liên quan tới vụ án hình sự xảy ra tại công ty này.
Cụ thể, ngày 16/4/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược Cửu Long và các đơn vị có liên quan.
Lo ngại sự kiện này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới truyền thông của công ty, ban lãnh đạo Dược Cửu Long đã có công văn giải trình cụ thể.
Theo Dược Cửu Long, vụ án được xác định xảy ra vào năm 2005 - 2007, trước khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chào bán cổ phiếu DCL trên sàn giao dịch chứng khoán và tại thời điểm diễn ra sự việc này thì CTCP Tập đoàn F.I.T (FIT) vẫn chưa là công ty mẹ của Dược Cửu Long và không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại Dược Cửu Long.
Tại thời điểm 2005 - 2007, ông Lương Văn Hóa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Dược Cửu Long, ông Nguyễn Văn Thanh Hải là kế toán trưởng của công ty.
Do đó, vụ việc không liên quan đến bất kỳ thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Tổng Giám đốc đương nhiệm của Công ty.
Vụ án không liên quan tới bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào của Dược Cửu Long hiện nay. Các hoạt động sản xuất kinh doanh của Dược Cửu Long vẫn diễn ra bình thường, theo đúng các kế hoạch đề ra, tình hình quản trị Công ty ổn định. Cho đến nay, chưa có thành viên nào là người nội bộ của Dược Cửu Long bị khởi tố.
Về công ty mẹ của Dược Cửu Long hiện nay là Tập đoàn F.I.T, hoạt động kinh doanh cũng không có nhiều khả quan.
Cũng giống như công ty con Dược Cửu Long, tăng trưởng lợi nhuận của F.I.T cũng phải nhờ sự đóng góp phần lớn từ khoản thu lãi suất tiền gửi ngân hàng. Lợi nhuận gộp về bán hàng hợp nhất của F.I.T trong quý 1/2021 chỉ đạt 64 tỷ đồng, ít hơn cùng kỳ năm ngoái 1 tỷ đồng.
Nhờ khoản lợi nhuận hơn 20 tỷ đồng từ hoạt động tài chính đã kéo vực lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn lên, thoát khỏi mức hoà vốn, báo lãi 21 tỷ đồng trước thuế.
Lãi hàng chục tỷ đồng, nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn mẹ ghi nhận giá trị âm 34,5 tỷ đồng. F.I.T phải dùng tiền thu được từ cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác để bù đắp cho dòng tiền kinh doanh, nhưng không đủ.
Cuối kỳ, dòng tiền lưu chuyển thuần của Tập đoàn F.I.T vẫn âm 59 tỷ đồng, ảnh hưởng không ít tới khả năng thanh trả nợ trong ngắn hạn của tập đoàn.