Alibaba và... toàn là kẻ cướp?

Thói vô pháp của một góc xã hội, với sự cấu kết, vỗ béo lẫn nhau giữa người mua kẻ bán, giữa đối tượng tự xưng doanh nhân và đại diện chính quyền, tất cả đều là thật, chẳng ma mị gì sất.

Giữa rừng dự án bất động sản, giữa vô thiên lủng những công trình xây dựng đụng vào đâu cũng sai phạm, giữa cơ man các án kỷ luật cán bộ toàn “cạp cả vào đất” thì những trò bát nháo, du côn, lừa đảo như Alibaba không là của hiếm, càng quá dễ để nhận biết dấu hiệu của những tên cướp... đất!

Chỉ lạ và bất thường ở chỗ, Alibaba đã vươn vòi quá xa, luồn lách quá sâu, ngang nhiên và thách thức cả một hệ thống pháp luật, càn quét và khuấy đảo trên một “diện tích” xã hội không hề nhỏ.

Đơn cử, khu đất rộng hơn 10 hecta tại xã Châu Pha, Bà Rịa - Vũng Tàu, từ bước tự chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, không qua quy trình thủ tục và sự chấp thuận của cơ quan chức năng của ông Nguyễn Ngọc Sự, đã là sai phạm rành rành. Khi ông Sự ủy quyền cho Alibaba tự ý san lấp đất, làm đường, phân lô, bán nền thì sai phạm nối dài sai phạm. 

Lạ là, cái diện tích 10 hecta chứ không phải là... cục đất sét, quẳng đâu đó, nắn nặn ra hình thù gì đó để rồi không ai còn nhận ra cục đất ban đầu. Chưa kể, chính quyền địa phương nhiều lần ra quyết định xử phạt, nhưng chủ đất không chấp hành, mọi việc vẫn không tiến triển, đất vẫn cứ nhận ủy quyền, sang tay, mua bán.

Câu chuyện cổ tích xứ Ba Tư, Alibaba khi sang Việt Nam chỉ còn... những tên cướp?

Câu chuyện cổ tích xứ Ba Tư, Alibaba khi sang Việt Nam chỉ còn... những tên cướp?

Lạ là, chỉ trong phạm vi một xã (Long Phước, Long Thành, Đồng Nai), đã có 19 dự án của Alibaba. Trên địa bàn huyện (Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, cũng là Đồng Nai), có 29 dự án của Alibaba, “cắm dùi” xuống diện tích 80ha.

Tất nhiên, bây giờ thì các quan chức đều mạnh mẽ khẳng định tất cả dự án trên đều làm lậu. Nhưng nên nhớ, để hàng chục dự án phân lô, làm hạ tầng trên nền “lậu” thì không phải chuyện chỉ sau... một đêm.

Người dân có thể không phản ánh về việc mua đất của Alibaba - như phát biểu của ông giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, nhưng diễn biến giao dịch rầm rộ, quảng cáo công khai thì ai cũng biết tỏng cú bắt tay, (tự) chuyển nhượng, ủy quyền vô pháp giữa Alibaba và các chủ đất, chỉ có... chính quyền địa phương là không nắm!

Hay có khi giữa bát nháo, náo loạn lại dễ kiếm ăn hơn, ăn no nữa là đằng khác, còn được gói oản xách về!

Vả lại, tôi sẵn sàng đánh cược rằng, không riêng gì anh em nhà Luyện vẽ vời lừa đảo, cũng chẳng một mình cái hệ thống chính quyền bất lực, vô trách nhiệm mà chính là các “nhà đầu tư”, khách hàng đã không hề vô can trong việc trở thành nạn nhân. Hay nhiều người trong số họ là nạn nhân, là nguyên nhân của chính mình. Họ, chứ không ai khác là “bị can” của sự bất kể (hiểu biết pháp luật), bất chấp (biết sai, không đủ các thủ tục pháp lý) để những ngày này, đối diện nguy cơ mất trắng!

Trong livestream sáng 19/9, phó tổng Alibaba, bà “tướng” Huỳnh Thị Ngọc Như, khi trả lời bức xúc của khách hàng về việc trễ hạn trả tiền đã “bẻ lái” sang cho... công an, do bị lực lượng công an phong tỏa tài sản, hồ sơ nên tiền (của khách hàng do công ty giữ giùm!) không thể giao dịch. “Giờ chỉ có họ mới trả lời được vì hiện tại họ đã giữ hết” - lời bà Như.

Hậu họa của câu chuyện cổ tích Alibaba phiên bản Việt thời bốn chấm không, rõ ràng không chỉ là hàng chục hàng trăm hecta đang bị lơ lửng; hàng chục ngàn khách hàng nửa mếu nửa cười. Nó cũng không bõ bèn gì một tờ lệnh khởi tố cho anh em nhà Luyện hay triệu tập vài ba “cô đầu” Ngọc Như. Mà một lần nữa lột trần thói vô pháp của một góc xã hội, với sự cấu kết, vỗ béo lẫn nhau giữa người mua kẻ bán, giữa đối tượng tự xưng doanh nhân và đại diện chính quyền, tất cả đều là thật, chẳng ma mị gì sất. Nó chỉ “ma” những cái (phải) đúng. Còn mọi cái đúng thì lại ma để chiếm đoạt, lừa đảo, phá nát.

Chả lẽ, câu chuyện cổ tích xứ Ba Tư, Alibaba khi sang Việt Nam chỉ còn... những tên cướp?

Theo PNO
back to top