Ai khiến Facebook đối mặt với cơn đại địa chấn?

Một phụ nữ cựu quản lý tại Facebook -Frances Haugen vừa tạo ra cơn địa chấn khi công khai mặt tối của tập đoàn này trước báo giới và cơ quan lập pháp Mỹ.
frances_haugen_cbs.jpg
Frances Haugen công khai mặt tối của Facebook với truyền thông. Ảnh: CBS.

Frances Haugen, cựu quản lý sản phẩm của Facebook bắt đầu thổi còi Facebook từ tháng 8/2021 với những cáo buộc Instagram gây trầm cảm, lo âu ở nhiều cô gái vị thành niên. Người phụ nữ này đã liên tục cung cấp thông tin cho báo chí về những nghiên cứu nội bộ của Facebook, trong đó chỉ ra công ty này đã nhiều lần tìm kiếm lợi nhuận và lờ đi sự an toàn của người dùng.

Ngày 3/10, Frances Haugen, cựu quản lý sản phẩm của Facebook đã quyết định xuất hiện công khai trong chương trình truyền hình 60 Minutes trên kênh CBS. Tối 5/10 (theo giờ Việt Nam), bà tiếp tục đứng trước Thượng viện Mỹ, tố cáo sự hời hợt của Facebook trong việc kiểm duyệt nội dung độc hại cho trẻ em, vào thời điểm cơ quan lập pháp này chuẩn bị chỉnh sửa đạo luật bảo vệ trẻ em trên Internet sau hơn 20 năm.

frances-haugen-2.jpg
Haugen điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 5/10. Ảnh: Reuters.

Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Olin và lấy bằng MBA của Harvard, Haugen bắt đầu làm việc cho một số công ty công nghệ từ năm 2006, bao gồm Google, Pinterest và Yelp. Bà chuyên về "quản lý sản phẩm theo thuật toán" và đã làm việc với một số thuật toán xếp hạng tương tự như công cụ tổ chức thông tin trên News Feed của Facebook.

Năm 2019, 37 tuổi, Haugen gia nhập Facebook vào và phụ trách giải quyết các vấn đề liên quan đến dân chủ và thông tin sai lệch. Đây là nội dung mà Facebook cùng các mạng xã hội khác bị chỉ trích rất nhiều trong thời gian qua, đặc biệt xung quanh dịch Covid-19 và bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Nhưng trong khoảng thời gian hơn 2 năm, bà bắt đầu cảm thấy Facebook không thực hiện cam kết về việc các sản phẩm của họ về phục vụ lợi ích công cộng.

Trong tuyên bố trước Thượng viện Mỹ hôm 5/10, Haugen chỉ trích việc Facebook tạo ra một "hệ thống khuếch đại sự chia rẽ, chủ nghĩa cực đoan và phân cực" trên toàn thế giới. "Facebook đã trở thành công ty trị giá 1 nghìn tỷ USD bằng cách đánh đổi sự an toàn của chúng ta, bao gồm cả sự an toàn của con cái chúng ta. Điều đó không thể chấp nhận được".

Khoảng một tháng trước, Haugen nộp ít nhất 8 đơn khiếu nại lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ, cáo buộc Facebook che giấu những thiếu sót của họ trước các nhà đầu tư và công chúng.

Bà cũng chia sẻ các tài liệu với WSJ. Hãng thông tấn này đã công bố kết quả một cuộc điều tra gồm nhiều phần, cho thấy Facebook biết rõ vấn đề với các ứng dụng của mình, bao gồm ảnh hưởng xấu của thông tin sai lệch, đặc biệt là tác hại của Instagram đối với các cô gái trẻ.

Ngoài nội dung liên quan đến Instagram, Haugen còn công bố tài liệu nói về quy tắc kiểm duyệt thiên vị giới tinh hoa trên Facebook, cách thuật toán thúc đẩy sự thù địch, bên cạnh việc các băng đảng ma túy, nhóm buôn người có thể sử dụng nền tảng công khai.

Đây không phải lần đầu tiên một cựu nhân viên đứng lên tố cáo Facebook. Tuy nhiên, điểm khác biệt của Frances Haugen là bà từng quản lý những sản phẩm dùng thuật toán của Facebook, và ngay trước khi nghỉ đã làm việc ở bộ phận chống tin giả cho nền tảng này.

frances-haugen-3.jpeg
Haugen quyết định rời bỏ Facebook và vạch trần chính sách kinh doanh của tập đoàn này.

Sau khi chương trình 60 Minutes lên sóng hôm 3/10, người phát ngôn Facebook, Lena Pietsch đã bác bỏ cáo buộc của Haugen. Lena Pietsch cũng cho rằng cáo buộc "Facebook khuyến khích và làm ngơ trước nội dung xấu" là không đúng sự thật.

"Mỗi ngày, các nhóm của chúng tôi phải cân bằng giữa việc bảo vệ quyền tự do thể hiện bản thân của hàng tỷ người với nhu cầu giữ cho nền tảng an toàn và tích cực. Chúng tôi liên tục cải tiến khả năng xử lý việc lan truyền thông tin sai lệch và nội dung độc hại", đại diện tập đoàn này cho biết.

Theo Đời sống
back to top