70.000 tỷ trái phiếu đáo hạn Quý 2: Điểm tên doanh nghiệp góp mặt

Các tổ chức phát hành trái phiếu rơi vào tình trạng chất lượng tín dụng yếu trong một thời gian dài, trước khi vi phạm nghĩa vụ nợ.

Trong năm 2023, VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 232,6 nghìn tỷ đồng (tăng 51,6% so cùng kỳ). Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng mạnh trong Quý 2, với khoảng hơn 70,9 nghìn tỷ đồng (tăng vọt 127% so với quý 1) và quý 3 khoảng 77,7 nghìn tỷ đồng. Sau giai đoạn thách thức này, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm về mức 52 nghìn tỷ đồng trong quý 4.

Điểm tên doanh nghiệp đến hạn

FiinRatings ước tính con số trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 nhỉnh hơn với 235 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp bất động sản có số dư trái phiếu sẽ đến hạn chiếm khá lớn với 100 nghìn tỷ đồng, tức chiếm 42%.

Theo báo cáo tài chính năm 2022, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết có dư nợ trái phiếu ở mức hàng chục nghìn tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022. Đơn cử như Novaland vay nợ 64,5 nghìn tỷ đồng (tăng 6,7% so đầu năm), riêng dư nợ trái phiếu chiếm 68% với 44,1 nghìn tỷ đồng (18,4 nghìn tỷ ngắn hạn). Đất Xanh cũng ghi nhận 2,2 nghìn tỷ vay nợ trái phiếu tại thời điểm cuối năm 2022, chiếm 39% vay nợ tài chính (5,77 nghìn tỷ). Nam Long cũng có khoản vay nợ trái phiếu chiếm mức cao tới 58% tổng vay nợ, tương ứng hơn 3 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là dài hạn, chỉ 449 tỷ đáo hạn tháng 6/2023…

Theo dữ liệu từ VCBS, tại thời điểm ngày 11/1/2023, top 10 doanh nghiệp bất động sản có dư nợ trái phiếu cao nhất khi chiếm 248,3 nghìn tỷ đồng gồm: Vạn Thịnh Phát lớn nhất với 103,8 nghìn tỷ đồng, tiếp theo là Novaland với 44,2 nghìn tỷ đồng, Sovico 22 nghìn tỷ đồng, Trung Nam 27 nghìn tỷ đồng, Sunshine 18 nghìn tỷ đồng, Sun Group 12,3 nghìn tỷ đồng, Đất Xanh 1,2 nghìn tỷ và Sơn Kim 1 nghìn tỷ đồng...

Như vậy, dư nợ trái phiếu của Đất Xanh đã giảm khá nhiều chỉ sau 11 ngày bước sang năm mới.

Vì sao doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu cao?

Về tình hình chậm trả, tính đến ngày 17/3/2023, theo FiinRatings, có 69 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 94,43 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,15% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành. Trong đó có 43 tổ chức phát hành là doanh nghiệp trong ngành bất động sản với tổng giá trị trái phiếu chậm trả nợ ở mức 78,9 nghìn tỷ đồng.

Dù không nằm trong top có dư nợ trái phiếu hàng chục nghìn tỷ đồng, song cũng có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng bị nêu tên trong việc chậm thanh toán lãi và mua lại trái phiếu trước hạn gần đây như CTCP Lâu Đài Trắng, Đất Xanh miền Nam, Đầu tư Hải Phát, Sapphire Coast, Tập đoàn Danh Khôi…

Cũng cần lưu ý, trong hoàn cảnh trái phiếu sắp đến hạn, nhiều doanh nghiệp bất động sản trên đã chủ động đàm phán và ký gia hạn với trái chủ thay đổi kỳ trả lãi cũng như kéo dài thời điểm đáo hạn để sắp xếp nguồn tiền như Novaland, Khải Hoàn Land,…

Bất động sản là ngành có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu ở mức 20,17% cao thứ hai sau ngành năng lượng. Tuy nhiên, ngành bất động sản có quy mô lưu hành lớn nhất ở mức 396,3 nghìn tỷ, chiếm 33,8% tổng giá trị trái phiếu lưu hành. Thực tế, trong tổng số 69 tổ chức phát hành chậm trả nợ trái phiếu doanh nghiệp thì số các doanh nghiệp trong ngành bất động sản chiếm tới 62,3%.

Phân tích của FiinRatings dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính của 33 tổ chức phát hành bất động sản chậm trả cho thấy đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp này tăng gấp 9,5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Tuy nhiên, tài sản hữu hình - thường là tài sản sinh lời của các công ty bất động sản có mức tăng khiêm tốn từ 25 nghìn tỷ đồng (2017) lên 33 nghìn tỷ đồng (2021).

Xu hướng tình hình trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 và 2024, FiinRatings cho rằng vấn đề cần quan tâm và rủi ro chính là 396,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản (302 doanh nghiệp), chiếm khoảng 50% trái phiếu phi ngân hàng đang lưu hành tại thời điểm 8/3/2023. Theo FiinRatings, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh dần được cải thiện rõ rệt. Lý do là áp lực 107,5 nghìn tỷ sẽ đáo hạn năm 2023 này trong khi triển vọng kinh doanh của ngành bất động sản đang gặp những trở ngại lớn và chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Tuy nhiên, động thái hỗ trợ vừa qua như giảm lãi suất cho vay, Nghị quyết 33/2023/NQ-CP và Nghị định 08/2023/NĐ-CP ra đời kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết áp lực nghĩa vụ nợ qua hoạt động tái cấu trúc nợ, phát hành trái phiếu mới để tái tài trợ nợ cũ hoặc cấp tín dụng mới cho các dự án sạch về pháp lý được triển khai một cách hiệu quả.

TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, với khoảng hơn 70 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý 2 thực sự là con số lớn, nhưng đang được “tháo gỡ” từ từ theo Nghị quyết 33 và Nghị định 08. Từ đó doanh nghiệp có thể chơi bài hoán đổi, tức đổi trái phiếu sang cổ phiếu, đổi trái phiếu sang bất động sản, hoặc phát hành trái phiếu mới để đảo nợ cũ...

“Nhưng điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp cũng phải tự tái cơ cấu chính mình, làm lành mạnh bức tranh tài chính, hoạt động kinh doanh”, TS Vũ Đình Ánh nói.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 3/2023 có 10 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ thành. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành đạt 24.425 tỷ đồng.

Trong các đợt phát hành trên, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên có giá trị huy động cao nhất đạt 7.200 tỷ đồng. Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living là đơn vị huy động có giá trị cao nhất trên 1 đợt phát hành, đạt 4.800 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp phát hành đang huy động với lãi suất khá cao như: Công ty CP Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi Sao Phương Nam (13%/năm); Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Nam An (13%/năm); Công ty CP Phân phối HDE (12%/năm).

Theo Đời sống
back to top