Theo BSC, đầu tư công được cho là vũ khí để chống lại tình hình suy giảm kinh tế - đây cũng là giải pháp đã được nhiều quốc gia sử dụng.
BSC ước tính giải ngân vốn ngân sách trong năm 2021 sẽ đạt 513.129 tỷ đồng (bằng 96,1% kế hoạch đã được giao bởi Thủ tướng Chính phủ. Đối với năm 2022, BSC ước tính giải ngân vốn ngân sách sẽ đạt 567.277 tỷ đồng.
Do đó, nhóm "thượng nguồn", đóng vai trò thiết yếu là vật liệu xây dựng như xi măng, thép sẽ "đón sóng" đầu tư công.
Đà tăng của nhóm cổ phiếu xi măng, thép có thể đến từ kỳ vọng về việc thúc đẩy nhanh kế hoạch giải ngân đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2021, khi mức độ hiện tại vẫn đang còn thấp. Theo đó, dự án cao tốc Bắc-Nam đi qua địa phận 13 tỉnh, tới hết 22/7 mới chỉ ghi nhận giải ngân đạt 6,929 tỷ đồng, tương ứng 46% kế hoạch 2021. Hay dự án sân bay Long Thành đạt mức giải ngân 836 tỷ đồng, xấp xỉ 18% kế hoạch trong năm nay.
Bên cạnh đó, dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa phận 13 tỉnh được dự báo cũng sẽ có tác động tích cực lên ngành BĐS (gồm BĐS dân cư, BĐS KCN).
Đặc biệt, cơ hội đầu tư vẫn còn khi mà cao điểm giải ngân đầu tư công vẫn nằm ở trung hạn giai đoạn 2022 - 2025.
BSC chọn lọc một số cổ phiếu để đưa vào danh sách khuyến nghị bao gồm HPG, HSG, HT1, PLC, KSB, BMP, C4G, LCG, KBC, SZC, LHG, DXG, NLG, VHM, AGG.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cảnh báo, các ngành được dự báo sẽ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công vẫn có những rủi ro hiện hữu. Đơn cử như các doanh nghiệp xây dựng phải đối mặt với cơn sốt giá nguyên vật liệu đầu vào; doanh nghiệp xi măng gặp vấn đề với tình trạng dư cung; một số doanh nghiệp phải chờ dự án nghiệm thu mới thu được tiền…
Chưa kể, VDSC cũng cho rằng đầu tư công sẽ tăng trưởng hạn chế do ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, Chính phủ có thể sẽ sử dụng một phần chi tiêu đầu tư công để dành nhiều nguồn lực hơn cho cuộc chiến chống dịch Covid-19.