13 tỉnh, thành có ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng: Nguy cơ lây nhiễm từ karaoke, dịch vụ giải trí

(khoahocdoisong.vn) - Chưa tới 10 ngày đợt dịch thứ 4 của Việt Nam đã lan ra 10 tỉnh, thành với 64 ca lây nhiễm ngoài cộng đồng. Bộ Y tế có nhiều quyết định quan trọng. Sự bùng phát dịch và việc truy vết liên quan rất nhiều tới quán ba, quán karaoke... Chuyên gia của KH&ĐS sẽ phân tích tại sao hình thức vui chơi giải trí này lại khiến dịch bùng phát dữ dội như vậy?

Theo bản tin lúc 18h ngày 6/5 của Bộ Y tế, Việt Nam có tổng cộng 1.690 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 120 ca. Cụ thể, Hà Nam có 14 ca, Vĩnh Phúc 26 ca, Hà Nội 9 ca, Hưng Yên 4 ca, Đà Nẵng 5 ca, Quảng Nam 1 ca, Yên Bái 1 ca, Đồng Nai 1 ca, Hải Dương 2 ca, Thái Bình 5 ca, Bắc Ninh 12, Quảng Ngãi 1 ca, Lạng Sơn 1 ca và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh là 38 ca. 

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo kéo dài thời gian cách ly.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo kéo dài thời gian cách ly.

Trao đổi với KH&ĐS về việc tại sao loại hình hoạt động vui chơi giải trí karaoke lại trở thành mối nguy cơ lớn trong đại dịch Covid-19, khiến dịch bệnh bùng phát nhanh như vậy, BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, hàng loạt những báo cáo lây nhiễm Covid-19 liên quan đến ca hát tập thể, hát nhóm đã được báo cáo với tỷ lệ lây nhiễm rất cao, như ở Berlin (76%), Amsterdam (79%) và Bang Washington (87%). Riêng ở Mỹ, có tới 540 vụ bùng phát thành ổ dịch Covid-19 từ ca hát.

Cụ thể: Vào ngày 17/3/2020, đội hợp xướng Quận Skagit, Washington, đã thông báo cho Cơ quan Y tế Công cộng Quận Skagit rằng một số thành viên của đội đã bị ốm. Kết quả điều tra và xét nghiệm, trong số 61 người tham gia hát cùng nhau kéo dài hai tiếng rưỡi, đã có 53 trường hợp mắc Covid-19, hai người tử vong sau đó.

BS Trần Văn Phúc phân tích, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 lây nhiễm qua giọt bắn nước bọt trong phạm vi 2m. Âm thanh có bản chất là sóng cơ học, khi hát, miệng được mở với công suất cực đại, các sol khí nhỏ hơn còn gọi là khí dung giao sẽ lởn vởn trong không khí với khoảng cách lớn hơn rất nhiều, có thể lên tới 8m. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi hát nhóm, có nhiều người hát cùng nhau, trong một căn phòng hẹp không có thông gió.

Nghiên cứu cho thấy, nốt đô và fa tạo ra nhiều giọt bắn và sol khí hơn hẳn các nốt khác, tốc độ các giọt các giọt cũng lớn hơn với vận tốc khoảng 6m/s. Hướng chuyển động của giọt bắn trong khoảng từ 120 - 240⁰ thì vận tốc các giọt hơn 1m/s, nhưng nếu theo tất cả các hướng thì vận tốc trung bình dưới 0,5m/s. Các sol khí không chỉ bay theo nhiều hướng, với khoảng cách rất xa, mà còn mang virus đủ sức lây nhiễm bay luẩn quẩn trong không khí đến 3 giờ đồng hồ vẫn không chịu rơi xuống.

Vì vậy, nếu chúng ta ở trong một căn phòng, một người hát thay nhau cùng vài người nói cười, thì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thực sự là một mối đe dọa. 

Để đối phó với những diễn biến mới của dịch bệnh, Bộ Y tế đã có hàng loạt các quyết định quan trọng, đặc biệt là: kéo dài thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày và vấn đề hộ chiếu văcxin.

Khu cách ly y tế.

Khu cách ly y tế. 

Khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19.

Khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19.

Trong buổi họp báo Chính phủ chiều 5/5, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai "hộ chiếu văcxin". Tuy nhiên, "hộ chiếu văcxin" vẫn là vấn đề đang được nhiều nước nghiên cứu, thảo luận. "Hộ chiếu văcxin" chỉ có hiệu quả khi Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng. Do đó, khi áp dụng "hộ chiếu văcxin", chúng ta phải lưu ý, xem xét và có những thông tin hết sức đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Theo Đời sống
back to top