Vườn Quốc gia Ba Bể: Tình trạng xây dựng trái phép tăng, phức tạp

(khoahocdoisong.vn) - Hiện nay, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm về đất đai trong vùng lõi, vùng đệm của di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể vẫn diễn biến theo chiều hướng tăng và ngày càng phức tạp. Chính quyền chức năng cần mạnh tay, vào cuộc xử lý dứt điểm những sai phạm và đề ra những giải pháp xử lý hiệu quả nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.

Vi phạm trật tự xây dựng ngày càng phức tạp

Khu vực Hồ Ba Bể là khu du lịch trọng điểm của tỉnh Bắc Kạn với nguồn tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo. Với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong những năm qua huyện Ba Bể đã được tỉnh quan tâm tập trung cho công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều đề án quy hoạch đã được phê duyệt làm cơ sở cho đầu tư phát triển, tập trung khai thác các lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch cộng đồng với sự tham gia của các thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư.

Vườn Quốc gia Ba Bể được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia. Năm 1997, Vườn Quốc gia Ba Bể được Ủy ban UNESCO Việt Nam đề nghị với Tổ chức UNESCO thế giới công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Nhiều căn nhà bề thế, thiết kế theo dạng biệt thự nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch được xây dựng trái phép làm biến dạng cảnh quan di tích, ảnh hưởng đến du lịch truyền thống.

Nhiều căn nhà bề thế, thiết kế theo dạng biệt thự nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch được xây dựng trái phép làm biến dạng cảnh quan di tích, ảnh hưởng đến du lịch truyền thống.

Được biết, xã Nam Mẫu nằm ở phía Tây của huyện Ba Bể, với diện tích tự nhiên là 6.479,38ha, dân số toàn xã là 2.339 nhân khẩu, có 4 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Kinh). Tổng số thôn bản có 9 thôn, các thôn đều nằm trong khu vực vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể, trong đó đặc biệt là 03 thôn Pác Ngòi, Cốc Tộc, Bó Lù. Các thôn này nằm trọn trong khu di tích quốc gia đặc biệt nên tất cả các công trình xây dựng trong khu vực này kể cả nhà ở riêng lẻ đều bắt buộc phải có giấy phép xây dựng.

Nhưng do quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, thậm chí sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chính quyền huyện Ba Bể, thời gian qua một số hộ dân ở ba thôn này đã lấn chiếm đất rừng đặc dụng, xây dựng nhà nghỉ, nhiều căn nhà bề thế, thiết kế theo dạng biệt thự nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch được xây dựng trái phép làm biến dạng cảnh quan di tích, ảnh hưởng đến du lịch truyền thống.

Theo kết quả kiểm tra hồ sơ do UBND huyện Ba Bể, UBND xã Nam Mẫu cung cấp và kiểm tra xác xuất thực địa 43 hộ gia đình tại 03 thôn cho thấy, các hộ gia đình, cá nhân có các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Cụ thể: 43 hộ xây dựng mới, sửa chữa không có giấy phép xây dựng, trong đó 8 hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp, diện tích lấn chiếm từ  20 - 1.700m2; 12 hộ không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đến với thôn Pác Ngòi, du khách được chiêm ngưỡng không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày với những ngôi nhà sàn đặc trưng gần hồ Ba Bể. Nhưng những mái nhà sàn đang dần bị phá vỡ để cải tạo, xây dựng nhà bê tông cốt thép. Trong số đó, không ít ngôi nhà đã xây dựng lấn chiếm trên đất nông nghiệp, đất rừng và đất phục hồi sinh thái của rừng Quốc gia Ba Bể.

Thanh tra sở Xây dựng Bắc Kạn chỉ rõ công tác quản lý trật tự xây dựng chưa được thực hiện nghiêm túc, thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng các hộ dân xây dựng mới, sửa chữa nhà, công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Việc xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai của cấp có thẩm quyền chưa kịp thời, chưa quyết liệt; một số trường hợp chỉ lập biên bản đình chỉ, một số trường hợp chưa thực hiện biện pháp xử lý nào, một số trường hợp đã lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt nhưng đối tượng bị xử phạt chưa chấp hành quy định. Hiện nay, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm về đất đai vẫn diễn biến theo chiều hướng tăng và ngày càng phức tạp.

Năng lực cán bộ còn nhiều hạn chế?

Gần đây, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn đã chỉ rõ nguyên nhân xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tại xã Nam Mẫu. Có rất nhiều nguyên nhân như do công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quy hoạch xây dựng và quản lý quy hoạch của chính quyền cấp huyện, cấp xã còn thiếu chặt chẽ và chưa được quan tâm đúng mức; Năng lực cán bộ làm công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, yếu kém...

Ngoài ra, trong phạm vi 3 thôn là Cốc Tộc, Bó Lù, Pác Ngòi của xã Nam Mẫu chịu sự quản lý của nhiều ngành, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật gồm: Luật Đất đai, Luật Xây dựng; Luật Lâm nghiệp và Luật Di sản dẫn đến sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật.

Mặt khác, sau khi được phê duyệt quy hoạch xây dựng chưa thực hiện cắm mốc giới ra ngoài thực địa vì vậy khó khăn cho công tác quản lý và xác định ranh giới cụ thể ngoài thực địa.

Đồng thời, không thống nhất giữa Quy hoạch sử dụng đất và Bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể dẫn đến việc lúng túng trong công tác quản lý về đất đai.

Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm trong trật tự xây dựng chưa kiên quyết và không được giải quyết dứt điểm. Ý thức chấp hành pháp luật của một số hộ gia đình chưa cao.

Đáng nói, việc các công trình xây dựng trái phép từ trước đây vẫn chưa được xử lý, nay lại xuất hiện thêm một số công trình mới, thế nhưng, chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Các công trình mới và cũ cứ ngang nhiên được xây dựng và hoàn thiện, bất chấp các quy định ngặt nghèo trong việc quản lý xây dựng tại khu vực di tích đặc biệt.

Để xảy ra các thiếu sót nêu trên trách nhiệm thuộc về tập thể lãnh đạo UBND huyện Ba Bể qua các thời kỳ. Những thiếu sót trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trách nhiệm thuộc về Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện. Trong công tác quản lý đất đai trách nhiệm thuộc về UBND xã Nam Mẫu qua các thời kỳ; Vườn Quốc gia Ba Bể; Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Theo TT&CS
back to top