Trung tá Bùi Xuân Bổng - Nhà giàn DK 1: “Chủ quyền Tổ quốc là điều thiêng liêng nhất!”

(khoahocdoisong.vn) - Có lẽ, không giấy mực nào tả hết những gian lao, khó nhọc, thầm lặng hy sinh của người lính Trường Sa và “hậu phương” của họ, dù là chiến tranh hay thời bình. Nhưng trên tất cả, đối với họ là sự bình yên của nhân dân, vì một Trường Sa trong lòng Tổ quốc.

“Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc là điều thiêng liêng nhất!”

Đó là tâm sự của trung tá Bùi Xuân Bổng (vốn là sĩ quan pháo phòng không, tháng 2/1989 anh nhận lệnh điều động của Bộ Quốc phòng tăng cường cho Hải quân) một trong những người đầu tiên ra Nhà giàn và gắn bó với nơi này suốt 30 năm. Chúng tôi gặp anh tại nhà riêng của trung tá Nguyễn Xuân Hà (một đồng đội mà anh xem như người ruột thịt của mình, tại đường Đô Lương, phường 11, TP Vũng Tàu).

Nhấp miếng nước trà, anh Bổng kể cho chúng tôi nghe những gian khó của người lính mà anh đã trải qua, thậm chí cả cái chết cận kề. Với anh, cuộc sống ngoài đó mặc dù thiếu thốn, công việc có lúc căng thẳng nhưng càng đi càng gắn bó, càng có nhiều tình cảm với nhà giàn.

"Mỗi lần mình hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi trở về thấy rất tự hào. Không phải đơn giản là ra ngoài đó để có người sống trên nhà giàn. Mà bảo vệ chủ quyền Tổ quốc là điều thiêng liêng nhất. Đến giờ tôi vẫn mong muốn tiếp tục được công tác ở nhà giàn vì tôi hiểu đóng góp của mình dù nhỏ bé lắm nhưng có ý nghĩa với Tổ quốc, với nhân dân", Trung tá Bùi Xuân Bổng chia sẻ.

Trung tá Bùi Xuân Bổng kể về những kỷ niệm với Nhà giàn trong quãng thời gian anh công tác.

Trung tá Bùi Xuân Bổng kể về những kỷ niệm với Nhà giàn trong quãng thời gian anh công tác.

Trung tá Bùi Xuân Bổng nhớ lại: “Trong cơn bão khủng khiếp vào khuya ngày 4/12/1990, Nhà giàn Phúc Tần đã bị nghiêng. Đến 2h sáng 5/12, thêm một đợt sóng rất lớn tràn qua, Nhà giàn ngã đổ! Ngày đó, trang bị cứu sinh thô sơ, thiếu thốn. 8 người lính nhưng chỉ có 5 cái áo phao, trong đó chỉ còn bốn áo phao lành, một rách! Chiếc phao bè bị sóng đánh vỡ nát. Lúc bấy giờ, tôi (Chỉ huy trưởng nhà giàn - PV), chính trị viên Trần Hữu Quảng và nhân viên báo vụ tên Báu tự nguyện không mặc áo phao. Sóng, gió mỗi lúc một lớn, tôi ra lệnh cho anh em nhảy xuống biển trong màn đêm tối đen như mực. Rồi sóng đánh vào, mỗi người văng ra một nơi. Nhà giàn đóng trên bãi cạn, chỗ nông nhất là 10m mà khi sóng đánh, tôi cảm giác nó nhấn mình xuống tận đáy san hô rồi mới đẩy lên! Không hoảng loạn, không nghĩ đến cái chết, lúc đó tôi chỉ nghĩ phải gọi xem anh em ở đâu để tụ lại chỗ chỉ huy. Gọi lúc đầu thì thấy nhưng vài phút sau một cơn sóng dữ ập đến, tất cả lại bị chìm xuống. Khi ngoi lên được, tôi vẫn cố gắng gọi tên anh em xem còn ai, mất ai...

Trong đêm tối, tôi vớ được miếng bè xốp vỡ, kéo thêm được hai người là Công và Quỳnh. Đồng chí Hồ Thế Công có mang áo phao nhưng không hiểu sao xuống biển lại cứng đơ, rời hẳn tay ra như sắp chết. Tôi nói Quỳnh: Lấy dây buộc Công vào người, nếu có chết thì anh em mình cũng phải kéo theo. Lúc sau cậu ấy tỉnh lại. May lúc đó quyết tâm kéo cậu ta theo chứ không thì mất một mạng người”.

Cả ba anh em chúng tôi phải chiến đấu từng phút với cái lạnh ngấm vào xương tủy. Lạnh đến mức các cơ thịt trong người co hết lại. Hết cái lạnh thì tầm trưa hôm sau chúng tôi phải chiến đấu với cơn khát. May mắn vớt được ba lọ nước cất nhỏ bằng ngón tay, rồi chia nhau mỗi người mấy giọt. Có đồng chí hoảng loạn, tôi cứ động viên thế nào cũng có tàu vớt! Không hiểu sao lúc đó tôi có niềm tin tàu sẽ tìm thấy mình, dù suốt đêm rồi đến ngày không thấy tàu đâu. Đến chiều hôm sau tàu mới tìm thấy chúng tôi. Lúc lên tàu mới hay không tìm thấy chính trị viên Quảng, trung sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền và đại úy quân y Trần Văn Là. Cơn bão đã cướp đi 3 đồng đội của tôi”!

Đoàn công tác báo KH&ĐS đến thăm và tặng quà cho gia đình đồng chí trung tá Nguyễn Xuân Hà hiện đang công tác tại nhà giàn DK1/15.

Đoàn công tác báo KH&ĐS đến thăm và tặng quà cho gia đình đồng chí trung tá Nguyễn Xuân Hà hiện đang công tác tại nhà giàn DK1/15.

Bão trên đất liền

Không chỉ bão trên biển, mà trên đất liền, bão dữ cũng như thử sức chịu đựng của những người vợ lính, vốn đã thiệt thòi, khó nhọc, thay chồng nuôi con. 

Chị Đoàn Thị Hoa, vợ Trung tá Nguyễn Xuân Hà (hiện đang là Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/15) cho biết, từ ngày anh chị cưới nhau đến nay đã 23 năm nhưng số lần anh ở nhà đoàn tụ cùng chị và các con trong những ngày Tết chưa đếm hết 1 bàn tay. Những đêm Giao thừa, nhiều lúc cũng chạnh lòng vì chỉ có mẹ và con, chưa nói những lúc con ốm, con đau nhưng cũng ráng nuốt nước mắt vào trong để động viên chồng yêu tâm công tác nơi đầu sóng ngọn gió.

Chị Hoa chia sẻ: “Tuy hoàn cảnh chúng tôi như vậy, nhưng tình đồng đội của các anh chị cùng đơn vị đã luôn động viên mẹ con tôi vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Vợ chồng nhà bác Bổng cũng như bố mẹ thứ 2 của các con tôi. Con trai lớn của chúng tôi, không may bị bệnh từ nhỏ nên tôi phải ngược xuôi, trong Nam ngoài Bắc để chữa trị cho cháu, nên đứa con nhỏ nhà này cũng một tay gia đình bác ấy chăm sóc. Con tôi và con bác ấy chơi thân như anh em ruột từ nhỏ, giờ lên TPHCM học cũng ở trọ với nhau”.

Chị Hoa nhớ lại: “Giữa năm 2006, một cơn bão lớn ập vào Bà Rịa - Vũng Tàu, chưa đầy 20 phút bão đã dỡ tung mái căn nhà cấp 4. Lúc đó, cháu lớn học lớp 4, cháu thứ 2 chưa đầy 8 tháng tuổi, ba mẹ con ôm nhau chui vào góc nhà, lấy 2 nệm và 1 cái chăn che lại tránh bị tôn, xà gồ …. rơi vào đầu, bàn thờ, bàn kính và các vật dụng khác đều bay hết. Bão ngớt, nhưng ba mẹ con vẫn kẹt trong góc nhà. Trong lúc hoảng loạn tôi dặn cháu lớn: Nhà mình còn 1 chỉ vàng, con cất vào trong túi áo khoác cẩn thận, nếu ai cứu được con ra mà mẹ và em có làm sao thì nhớ đưa chỉ vàng này ra để nuôi con”.

Cũng may, là sau đó, nghe tiếng chị Vân (vợ Trung tá Bùi Xuân Bổng) tri hô hàng xóm: “Cứu ba mẹ con nó, không biết sống chết trong đó thế nào?” Mọi người chạy vào thì vướng lưới dích dắc (vì trước đó, gia đình giăng lưới để trồng hoa thiên lý, lúc bão đến, lưới sập xuống nên lối vào không có mà lối ra cũng không) mãi lúc sau mới đưa được ba mẹ con ra.”

Từ trái sang: Nhà báo Bùi Hương, TS.BS Nguyễn Trọng Hào, con trai trung tá Nguyễn Xuân Hà và Th.BS Vũ Thị Phương Thảo tại Bệnh viện Da liễu TPHCM. Ảnh : Hữu Thông

Từ trái sang: Nhà báo Bùi Hương, TS.BS Nguyễn Trọng Hào, con trai trung tá Nguyễn Xuân Hà và Th.BS Vũ Thị Phương Thảo tại Bệnh viện Da liễu TPHCM. Ảnh : Hữu Thông

Chị Hoa rất tự hào chia sẻ: “Tết năm nay, gia đình tôi có thêm niềm vui mới đó là nhờ Đoàn công tác của Báo KH&ĐS ra thăm Nhà giàn DK 1/15 gặp chồng tôi và biết hoàn cảnh gia đình, đã giúp cho con chúng tôi là cháu An được TS.BS Nguyễn Trọng Hào – Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM và các bác sĩ khám và điều trị căn bệnh cháu bị từ bé. Đến nay, nhờ có phác đồ điều trị hiện đại dùng thuốc sinh học nên bệnh cháu đã thuyên giảm rõ rệt”.

Trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên DK1 tự hào: “Chúng tôi luôn xác định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa là nhiệm vụ trọng tâm số một, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng, vừa là sứ mệnh người lính. Hình ảnh người chiến sĩ nhà giàn DK1 sừng sững hiên ngang trước bạt ngàn sóng gió, bất chấp khó khăn gian khổ, vượt mọi khó khăn, giữ vững chủ quyền, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó, như một “thương hiệu” trong lòng nhân dân”.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top