Trẻ hóa bệnh người già - Kỳ 1: Đột ngột chóng mặt, nhìn mờ... coi chừng đột quỵ

(khoahocdoisong.vn) - Khi thấy các triệu chứng: Méo mặt, yếu nửa người hoặc tê nửa người, giọng nói bị thay đổi hoặc mất đi, chóng mặt, mất thăng bằng, nhìn mờ, nhìn đôi... cần nghĩ tới đột qụy.

Hiện xu hướng bệnh tật đang có sự thay đổi rất lớn, nhiều bệnh mạn tính ở người già đang gia tăng ở người trẻ. Bệnh thường ít có biểu hiện lâm sàng nên nhiều người trẻ chủ quan dẫn tới biến chứng nặng nề hoặc mất mạng. KH&ĐS cùng các chuyên gia sẽ tư vấn, chỉ dẫn cho bạn đọc cách nhận biết và phòng ngừa từ trẻ để tránh mang bệnh suốt đời.

Đột quỵ do nhồi máu vì tắc mạn tính

Một bệnh nhân nữ (35 tuổi, ở TPHCM) thường bị những cơn đột ngột nhìn mờ, chóng mặt. Bệnh diễn tiến đợt này sang đợt khác, rồi hết, nên bệnh nhân nghĩ mình bị rối loạn tiền đình. Theo ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Phụ trách - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, đây là trường hợp mạch máu bị tắc nghẽn mạn tính. Đến thời điểm nào đó, mạch máu bị hẹp lại, gây tắc, dẫn dến các triệu chứng trên, nhưng chỉ thoáng qua. Trong vòng vài tiếng đồng hồ, mạch máu lại giãn ra, dòng máu có thể lưu thông qua lỗ hẹp, nên não được tái tưới máu, triệu chứng hết. Bệnh nhân không nghĩ đến đột quỵ.

Tuy nhiên, tất cả những bất thường như vậy trên người trẻ, không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện để thực hiện các khảo sát như chụp MRI sọ não, khảo sát mạch máu não. Nếu chẩn đoán xác định bệnh nhân bị tắc mạch máu mạn tính, các bác sĩ sẽ có những phương cách tiếp cận điều trị sớm, ngăn ngừa và chậm lại các quá trình tắc mạn tính tương tự.

Bất cứ ai, nhất là người trẻ, phải nắm rõ các triệu chứng cơ bản xảy ra đột ngột của đột quỵ cấp bao gồm: Méo mặt, yếu nửa người hoặc tê nửa người, giọng nói bị thay đổi hoặc mất đi, chóng mặt, mất thăng bằng, nhìn mờ hoặc nhìn đôi. Đó đều là những cảnh báo của đột quỵ, vì vậy, người bệnh phải nhanh chóng đến bệnh viện để được xử trí cấp cứu, giảm thiểu các tai biến.

Đột quỵ người trẻ khác người cao tuổi

Theo các chuyên gia y tế, ở nhóm người trung niên và cao tuổi, đột quỵ thường xảy ra do xơ vữa động mạch. Các mảng bám “đầy cholesterol” làm xơ cứng động mạch và cản trở lưu lượng máu. Đột quỵ ở nhóm bệnh nhân này, do vậy thường đi kèm với các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu nhưng không được kiểm soát tốt. 

Còn ở nhóm bệnh nhân trẻ, điều này cũng có thể xảy ra. Không ít trường hợp bệnh nhân trẻ cũng bị tăng huyết áp, cholesterol cao, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, hút thuốc lá, đái tháo đường… có thể dẫn đến chứng xơ vữa động mạch.

Một số loại thuốc, nhiễm trùng và tình trạng viêm cũng có thể dẫn đến đột quỵ ở những người trẻ tuổi. Đột quỵ ở người trẻ tuổi còn có thể bị ảnh hưởng bởi di truyền. Ngoài ra, đột quỵ não ở người trẻ có những điểm khác, nhất là nhóm nhồi máu não, còn liên quan đến một số các vấn đề bẩm sinh như hình thành các yếu tố tăng đông tự nhiên trong cơ thể.

“Các yếu tố này tồn tại trong bản thân của bệnh nhân từ khi sinh ra rồi, đến một lúc nào đó, các yếu tố tăng đông bị kích hoạt “quá mức” dẫn đến hình thành huyết khối làm tắc nghẽn mạch máu não, gây ra nhồi máu não. Việc phát hiện các yếu tố nguy cơ này ở nhóm người trẻ dù không dễ dàng, nhưng các triệu chứng cảnh báo đột quỵ cấp gần như tương tự ở mọi nhóm đột quỵ”, ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa cảnh báo.

Cần chọn một chế độ ăn giúp kiểm soát huyết áp, trọng lượng cơ thể, giảm nguy cơ bị đột quỵ cũng như bị tái phát các cơn đột quỵ khác  đồng thời hỗ trợ liệu pháp điều trị đột quỵ.

Ăn nhiều loại thực phẩm mỗi ngày, bởi vì không một loại thực phẩm nào có thể cung cấp cho cơ thể chúng ta tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe. Một bữa ăn cầu vồng sẽ được chọn các loại trái cây, rau và các loại đậu - màu đỏ sẫm, cam, màu vàng rực rỡ, màu xanh lá đậm, màu xanh lam và màu tím…

Ngoài ra, sống năng động, vận động đều đặn như đi bộ, bơi lội, khiêu vũ, đi lên xuống cầu thang hoặc chơi tennis… và kiểm soát stress là những phương pháp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả. Căng thẳng có thể làm tăng huyết áp, liên quan gián tiếp đến nguy cơ đột quỵ. Quản lý căng thẳng, bao gồm các bài tập thư giãn, tập thể dục, thiền… rất hữu ích trong điều trị huyết áp cao, do đó làm giảm nguy cơ đột quỵ.

Đột quỵ ở người trẻ tuổi tuy không phổ biến, chiếm khoảng 10 - 15% trong tất cả các bệnh nhân đột quỵ. Tuy nhiên, so với người lớn tuổi, đột quỵ ở người trẻ tuổi sẽ tác động lớn đến cuộc sống, vì bệnh nhân có thể bị di chứng từ khi còn trẻ.

Trong thời gian điều trị vàng, khoảng 4,5 giờ sau khi biểu hiện bệnh, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được can thiệp điều trị bằng những phương pháp như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch hoặc đường động mạch để tránh di chứng liệt về sau. Tiếp đến, các bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân gây đột quỵ từ đó có chiến lược dự phòng đột quỵ.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top