Sửa đổi Luật Giám định Tư pháp: Viện Tối cao nói nên, Bộ Công an nói không

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau là việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao…

Theo bà Nga, có ý kiến tán thành dự thảo luật do Chính phủ trình, cho rằng bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao là cần thiết nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng trong việc giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.

"Đặc biệt, từ 1/1/2020, các cơ quan tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, nên nhu cầu sẽ tăng", bà Nga nêu. Tuy nhiên, Bộ Công an thẳng thắn nói không.

Bất đồng quan điểm

Theo ông Bùi Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, hiện Viện đã có Phòng Kỹ thuật hình sự, nay chỉ bổ sung thêm nhiệm vụ giám định âm thanh, hình ảnh, chứ không làm tăng biên chế.

Hơn nữa, hiện nay, trên lý thuyết thì giám định âm thanh, hình ảnh có cơ quan giám định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện. Tuy nhiên, "hiện nay, Bộ Quốc phòng không làm, nên thực tế chỉ có Bộ Công an thực hiện" - ông Cường nêu quan điểm.

“Khi có những việc cơ quan giám định tư pháp của Bộ Công an bị khiếu nại, chúng tôi gửi yêu cầu giám định sang Bộ Quốc phòng thì không được đáp ứng” - ông Cường nêu. Và cho biết, dù Viện Kiểm sát đã gửi công văn đề nghị Bộ Quốc phòng bổ sung nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng đã hứa, nhưng tới nay vẫn chưa bổ sung.

“Một số lĩnh vực hiện nay chỉ có 1 cơ quan giám định duy nhất là Bộ Công an” - ông Cường nói và khẳng định việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát là đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn vì hiện nay "chỉ có 1 cơ quan là không khách quan".

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Bùi Mạnh Cường phát biểu tại phiên họp sáng 10.1. Ảnh: thanhnien.vn

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Bùi Mạnh Cường phát biểu tại phiên họp sáng 10.1. Ảnh: thanhnien.vn

Tuy nhiên, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định: "Bộ Công an không đồng tình với đề xuất này".

Theo ông Vương, nội dung này mới phát sinh chứ chưa có dự thảo ngay từ đầu. Bên cạnh đó, theo ông Vương, hiện nay cơ quan Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đều có chức năng này. Và thực tế, từ 2012 tới nay, Viện Khoa học hình sự tiếp nhận 42 trường hợp trưng cầu giám định âm thanh, 18 vụ giám định kỹ thuật số, điện tử.

"Về cơ bản đáp ứng yêu cầu và phục vụ chung cho công tác điều tra” - Thứ trưởng Vương đánh giá, và cho biết con số này cho thấy nhiệm vụ là không nhiều, thời gian qua cũng chưa xảy ra vấn đề gì.

Quan điểm của Bộ Tư pháp

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, vì trong cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát đã có Phòng Kỹ thuật hình sự, nay chỉ "giao thêm việc”.

Hơn nữa, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có văn bản chính thức về vấn đề này. Ngoài ra, việc bổ sung thêm chức năng này cho Viện Kiểm sát cũng là “góp phần có thêm tiếng nói” trong công tác này - ông Long trao đổi

Vẫn theo ông Long, Bộ Công an có ý kiến ngay từ đầu là không đồng ý. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đó chỉ là ý kiến của Bộ Công an. Ông Long nhấn mạnh: "Chính phủ thực hiện theo nguyên tắc đa số nên ý kiến của Chính phủ về vấn đề này là không thay đổi" - nghĩa là ủng hộ bổ sung chức năng cho Viện Kiểm sát như dự thảo trình ra Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nêu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: thanhnien.vn

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nêu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: thanhnien.vn

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, chủ trì phiên thảo luận băn khoăn. Ông cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhận được văn bản của Đảng ủy Công an Trung ương không đồng tình với việc bổ sung nhiệm vụ này cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

“Đảng ủy Công an Trung ương thì có Thủ tướng là thành viên. Như vậy, lúc đầu thì đồng ý nhưng sau đó lại không đồng ý với ý kiến của Bộ Công an” - ông Uông Chu Lưu nói, và cho rằng Chính phủ cần có ý kiến chính thức về vấn đề này.

"Trong lúc chờ Chính phủ có ý kiến chính thức, tôi đề nghị để cả 2 phương án đồng ý (cho bổ sung) và không đồng ý để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến" - ông Lưu kết luận. 

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top