Những tác dụng khó tin của côn trùng

(khoahocdoisong.vn) - Ngoài những côn trùng gây hại thì có những loại côn trùng đem những giá trị khó tin trong đời sống hằng ngày mà ít người biết.

Chất tiết của côn trùng có giá trị

Chất tiết của côn trùng mang lại giá trị như nước bọt của tằm là loại tơ thật sự có giá trị, sáp ong là chất tiết dưới tuyến da ở mặt dưới của bụng ong mật, sáp sơn là chất tiết từ tuyến dưới da ở lưng loài rệp (cánh kiến đỏ). Tế bào mỡ tạo ra ánh sáng của “ruồi lửa khổng lồ” mà chúng ta quen gọi là đom đóm ở vùng nhiệt đới dùng để chiếu sáng và được ghi nhận là cách tổng hợp tạo ra chất phát quang mà hầu như không tỏa nhiệt.

Phấn son từ sáp rệp son và chất đỏ thẫm là những sắc tố được tạo ra bằng việc làm khô cơ thể côn trùng ở vùng nhiệt đới. Cantharidin, một loại hóa chất được tìm thấy ở nhiều thành viên trong họ bọ cánh cứng. Đây là một chất độc. Cantharidin độc tương đương các chất độc nhất như strychnine. Nó là một chất rắn không mùi, không màu ở nhiệt độ phòng. Nó được tiết ra bởi bọ cánh cứng đực và truyền cho con cái vào mùa giao phối. Sau đó, bọ cánh cứng cái sẽ bọc trứng bằng chất này như một bảo vệ chống lại kẻ thù. Chưa rõ cơ chế sinh tổng hợp ở cơ thể côn trùng. Cantharidin được sử dụng nhiều trong y tế, chủ yếu để trị bệnh mụn cơm. Vì các hiệu ứng bất lợi cho người mà chất này nằm trong danh sách các chất độc đáng lưu ý của bác sĩ da liễu và nhân viên cấp cứu. Khi ăn với liều lượng 10mg là có thể gây tử vong. Ăn phải chất cantharidin có thể gây tổn hại niêm mạc đường tiêu hóa, tổn thương thận vĩnh viễn…

Hàm lượng cantharidin trong bọ cánh cứng thay đổi theo loài, bọ cánh cứng loài E. pennsylvanica chứ khoảng 4,8mg, thường bọ đực chứa hàm lượng cao hơn so với bọ cái. Việc sử dụng cantharidin làm chất kích dục rất nguy hiểm bởi nó có thể dễ dàng gây tử vong, cho dù gần đây ở nước ta được quảng cáo rầm rộ trên internet.

Ngoài ra, côn trùng còn tập hợp, tinh chế và tồn trữ các sản phẩm thực vật có giá trị. Mật ong là mật được thu thập từ hoa, được cô lập lại, làm biến đổi hóa học và được đóng kín vào “chai sáp” bởi ong mật, Côn trùng kích thích cho thực vật sản sinh ra túi sần, một số trong chúng có giá trị như axit tannic từ túi sần do côn trùng đã được dùng cách đây hàng thế kỷ để thuộc da động vật, làm đồ da hay lông thú, chim. Nhiều túi sần có chứa vật liệu để làm ra mực không phai, chóng khô và rất mịn.

Côn trùng hủy diệt các loài cỏ gây hại

Khái niệm cỏ dại được hiểu là những cây hoang dại mọc lẫn trên đồng cỏ chăn nuôi đại gia súc như cây kế sữa (cúc gai). Nếu bò ăn phải sẽ bị ngộ độc, nên người ta đã du nhập từ Mỹ vào Canada những loài côn trùng để hạn chế sự phát tiên loài cây này như ruồi mật, thuộc họ Tephritidae (Diptera) là bọ cánh cứng ăn lá Longitarsus jacoaeae và Galerucella peacearriensis. Ở Việt Nam, có thể dùng loài bọ cánh cứng ăn lá ăn các phần có màu xanh của cây mai dương hoặc ngài cánh trong đục cành. Sâu non loài này đục cành, thân cây làm cây bị chết, giảm sinh trưởng, giảm lượng hạt của cây mai dương. Ngoài ra, còn có loài vòi voi hại hoa mai dương. Vòi voi đục hạt, sâu đo ăn lá, và bọ cánh cứng ăn lá và rễ cây mai dương.

Hơn nữa, côn trùng còn cải thiện điều kiện vật lý của đất bằng đào thường xuyên lớp mặt đất. Cơ thể côn trùng chết là sản phẩm phụ của chúng rơi vào làm đất phì nhiêu. Đặc biệt là những côn trùng sống trong đất, điển hình như bộ bọ đuôi bật. Côn trùng thực thi sứ mạng là người “quét dọn hành tinh” bằng việc ăn các tàn dư của động vật và thực vật, chôn vùi các tàn dư là phân do sinh vật thải ra.

Đặc biệt, khoảng 20 năm gần đây, côn trùng trở thành một trong các đối tượng sinh vật được sử dụng làm chỉ thị sinh học để đánh giá sự thay đổi và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, nọc ong, mật ong, sữa ong chúa hay mối cánh… là nguyên liệu có giá trị làm thuốc chữa bệnh thấp khớp và viêm khớp. Ở Trung Quốc có phương pháp dùng ong đốt vào huyệt và xoa bóp để chữa bệnh. Ở Việt Nam đã có người dùng ong mật đốt để cai nghiện ma túy. Xác ve sầu hay còn gọi là thuyền thoái, thiền thoái, thuyền thuế, được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền đê làm thuốc trị được nhiều chứng bệnh khác nhau.

GS.TS Bùi Công Hiển (Hội Côn trùng học Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top