Kienlongbank không được đổi tên vì lý do... lãng xẹt, chưa đúng quy định

Tên viết tắt ngân hàng Kienlongbank muốn sử dụng là KSBank, tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không phê duyệt tên này. Do đó, ngân hàng phải trình lại cổ đông quay lại tên cũ.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, Kienlongbank chưa tuân thủ quy định tại điều 5, Thông tư số 50 ban hành năm 2018, nên tên viết tắt bằng tiếng anh không được chấp thuận.

Ngân hàng muốn đổi tên phải nộp bộ hồ sơ gồm văn bản đề nghị (tên hiện tại, tên dự kiến thay đổi, lý do thay đổi) và nghị quyết của đại hội đồng cổ đông.

Trước đó, vào tháng 4, Kienlongbank công bố kế hoạch đổi tên. Tên viết tắt giúp ngân hàng truyền tải thông điệp rõ ràng và phù hợp với mục tiêu số hóa trong giai đoạn mới. "K" trong KSBank là đại diện cho từ Kiên Long, còn "S" là biểu tượng bản đồ Việt Nam.

Điều đáng chú ý, cũng trong giai đoạn này, bộ nhận diện của Sunshine Group trong mảng tài chính dần lộ diện với tiền tố "KS". Trụ sở của doanh nghiệp này treo thêm logo KSBank, trong khi website giới thiệu KSBank là giải pháp về ngân hàng số toàn diện.

Theo báo cáo tài chính của Kienlongbank, trong tháng 10, ngân hàng đã phát hành gần 41,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ phát hành 13%. Nâng vốn điều lệ từ 3.237 tỷ đồng lên gần 3.653 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank đạt 878 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm trước. Hai nguồn thu chính giúp Kienlongbank đạt được kết quả này đến từ hoạt động cho vay và hoạt động dịch vụ.

Nguyên nhân được cho là khiến lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh là đầu năm nay, ngân hàng đã xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay được bảo đảm bằng cổ phiếu Sacombank.

Đồng thời, điều này đã giúp giảm tới 63% tổng nợ xấu đến cuối tháng 9, chỉ còn hơn 697 tỷ đồng.

Cũng theo thông báo của Kienlongbank, tính tới 30/9/2021, tổng tài sản củangân hàng tăng mạnh hơn 32%, lên 75.741 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 0,6% lên 34.923 tỷ đồng. Song, khoản mục tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng vọt lên 27.672 tỷ đồng, gấp hơn 2,3 lần thời điểm đầu năm, chiếm chủ yếu bởi tiền, vàng gửi có kỳ hạn.

Theo Đời sống
back to top