Hiệp định EVFTA: “Bệ phóng” cho các sản phẩm làng nghề Hà Nội

(khoahocdoisong.vn) - Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, ngành thủ công mỹ nghệ đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và phát triển kinh tế của Hà Nội. Vì vậy, tập trung vào xuất khẩu đang là con đường mà nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề tại Hà Nội hướng tới. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua là cơ hội cho các làng nghề Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong việc phát triển hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Cơ hội cho các doanh nghiệp làng nghề

Theo thống kê, TP Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, chiếm 59% tổng số làng nghề toàn quốc. Trong số đó có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND TP Hà Nội công nhận. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế; trên 2.300 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đây chính là cơ sở tiềm năng lựa chọn sản phẩm để hoàn thiện, đánh giá phân hạng và dự thi sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” đối với TP Hà Nội.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, ước tính trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của thành phố có trên 7.000 sản phẩm địa phương. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế như: Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre giang đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), sơn mài Duyên Thái (huyện Thường Tín)… Ở những làng có nghề, đặc biệt là các làng nghề phát triển, thu nhập bình quân của người dân cao hơn rất nhiều so với làng thuần nông. Ước tính, khu vực làng nghề của Hà Nội đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động; giá trị sản xuất đạt khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD, trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 200 triệu USD/năm.

Một gian hàng giới thiệu các sản phẩm gốm sứ tâm linh tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Một gian hàng giới thiệu các sản phẩm gốm sứ tâm linh tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020, sẽ là cơ hội mở ra cho các làng nghề Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong việc phát triển hàng thủ công mỹ nghệ mang tính truyền thống. Hiệp định EVFTA rất có lợi cho các nhà sản xuất của Việt Nam nói chung và các làng nghề nói riêng, nhất là trong ngành nghề thủ công mỹ nghệ, dù rằng thuế xuất khẩu của mặt hàng này từ trước khi có Hiệp định vẫn ở mức 0%. Bởi lẽ, tác động của Hiệp định đối với các doanh nghiệp làng nghề không phải ở tác động đi mà là tác động lại. Đó là không gian thị trường, tiếp cận các nguồn lực về công nghệ, vốn cho sự phát triển.

Theo đó, chính các nhà nhập khẩu từ châu Âu cũng sẽ có lợi từ việc nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Việt Nam và nhiều doanh nghiệp của châu Âu sẽ tìm đến Việt Nam. Từ đó, tạo lực kéo giúp các doanh nghiệp làng nghề nói chung và mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định, cơ hội mở ra cho làng nghề là rất lớn. EU có thu nhập bình quân đầu người rất cao, tiêu dùng tương đối đa dạng, phong phú. Đặc biệt, thị trường này có một trào lưu tiêu dùng đơn chiếc và tiêu dùng hàng handmade. Do đó, việc phát triển các sản phẩm mang tính chất truyền thống sẽ là thế mạnh của Việt Nam.

Cùng với đó, khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, các sản phẩm làng nghề nói chung và sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng đều nằm trong diện được miễn thuế ngay. Điều này giúp sản phẩm làng nghề đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường EU mà không có giới hạn về mặt thuế quan và định lượng. Đây cũng sẽ là bệ phóng giúp sản phẩm làng nghề của Hà Nội thâm nhập vào các thị trường khác. Mặt khác, EU có quá trình công nghiệp hóa với các làng nghề lâu dài, đây cũng là cơ sở để cho Việt Nam tiếp cận được công nghệ phù hợp với các làng nghề…

Nâng chất lượng sản phẩm để tháo rào cản

Hiệp định EVFTA mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm không ít thách thức. Bởi lẽ, Châu Âu là thị trường kỹ tính, do vậy, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tới thị trường này, bắt buộc đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam không chỉ là chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác. Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp làng nghề phải nỗ lực rất lớn để đáp ứng các yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Từ thực tiễn, muốn vào được thị trường Châu Âu, các doanh nghiệp phải đáp ứng được “hàng rào kỹ thuật” rất khắt khe, đơn cử như: Sản phẩm phải có tính văn hóa, không sử dụng lao động trẻ em trong sản xuất, sản phẩm có môi trường lao động tốt, bảo đảm thu nhập và cuộc sống của người lao động (từ bữa ăn đến khu vệ sinh, tiêu chuẩn tiếng ồn, an toàn lao động…).

Theo bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh cho hay, làng nghề Hà Nội còn có điểm yếu đó là sự liên kết lỏng lẻo; mô hình kinh doanh của các hộ gia đình mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún; cách thức quản lý, công nghệ sản xuất hàng hóa còn lạc hậu, bởi vậy để nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm trong thời gian ngắn là điều rất khó.

Tuy nhiên, do nắm bắt được nhu cầu thị trường nên trong những năm qua, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của làng nghề khác cũng chú tâm hơn đến tự đổi mới công nghệ, tư duy quản trị doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì… để tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi thiết kế theo mùa hoặc từng năm để hợp “gu” của thị trường.

Các sản phẩm làng nghề gốm sứ Bát Tràng rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại.

Các sản phẩm làng nghề gốm sứ Bát Tràng rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, khi mở cửa, sẽ có sản phẩm làng nghề của EU vào Việt Nam với giá cả hợp lý và với chất lượng cao cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm làng nghề Việt. Trong khi sản phẩm làng nghề Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng thiếu tính đồng loạt, đặc biệt là các sản phẩm handmade khiến các doanh nghiệp gặp khó trước đòi hỏi về những đơn hàng xuất khẩu lớn của khách hàng EU. Cách thức quản lý, công nghệ của các làng nghề Hà Nội hiện nay quá lạc hậu, để cạnh tranh được thì đây là bài toán rất khó.

Do vậy, các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề cần đặc biệt lưu tâm thương hiệu, chỉ dẫn địa lý mang tính chất địa điểm làng nghề. Khi đó, sẽ khẳng định được thương hiệu của Việt Nam khi tham gia xuất khẩu và bảo đảm được quyền lợi của nhà xuất khẩu.

Năm 2019, triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo lần đầu tiên được Hà Nội tổ chức đã tạo sự lan tỏa các ý tưởng thiết kế mẫu sản phẩm mới, có tính ứng dụng và giá trị thẩm mỹ cao, đáp ứng yêu cầu thị trường, góp phần tăng cường mối liên kết giữa người thiết kế - thợ thủ công – nhà sản xuất – nhà phân phối và người tiêu dùng. Đây cũng là tiền đề cho việc xây dựng và hình thành sàn giao dịch các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo trên địa bàn thành phố, phục vụ phát triển ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn Hà Nội nói riêng.

Theo KH&ĐS
back to top