Công ty Cổ phần Anvy núp bóng Đông y để bán thực phẩm chức năng?

(khoahocdoisong.vn) - Một số sản phẩm của Công ty Cổ phần Anvy sản xuất có dấu hiệu núp bóng Đông y, quảng cáo không đúng quy định.

Chiêu núp bóng Đông y 

Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã ra nhiều thông báo qua đó cảnh báo người dân cảnh giác trước các chiêu trò núp bóng đông y để bán thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, trong hàng loạt bài PR trên trang như anvida.vn, anvitra.vn, tangout.vn, cikan.vn… lại "sử dụng" ông Phùng Hoà Bình nguyên Chi hội trưởng Chi hội Đông y Đại học Dược Hà Nội để tư vấn nhiều sản phẩm thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. 

Ông Phùng Hoà Bình có học hàm là PGS.TS và được gọi là Lương y với kinh nghiệm 30 năm giảng dạy tại Đại học Dược Hà Nội.

Cụ thể: Bài viết “Thuốc chữa Viêm Đại Tràng, Hội chứng ruột kích thích (IBS) của PGS.TS Phùng Hòa Bình” đã dùng ý kiến của vị PGS này để gọi sản phẩm Anvida là thuốc và có lịch sử từ bài thuốc đông y do ông (với 30 năm kinh nghiệm về Đông y) nghiên cứu. Theo đó, Anvida ra đời như là kết quả từ bài thuốc cổ truyền và là kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Đông y hàng đầu tại Anvy.

Nhìn vào thành phần của Anvida thì thấy có: Bạch truật, chỉ thực, mộc hương, trư ma căn, xuyên tâm liên, hậu phác. Đây đều là những loại thảo dược phổ biến. Anvida được quảng cáo là sự kết hợp giữa dược liệu cổ truyền với công nghệ hiện đại của Đức, được nghiên cứu lâm sàng…

Thực tế, Anvida được cấp phép là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, với giấy phép do Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cấp. Một trong những lý do quan trọng khiến sản phẩm này không được cấp phép là thuốc bởi vì sản phẩm chưa đạt tỉ lệ chữa bệnh đúng yêu cầu để cấp có thể công nhận là thuốc. Và theo quy định, việc cấp phép cho sản phẩm thuốc thuốc phải do Cục quản lý Dược – Bộ Y tế cấp.

Anvida không có tác dụng điều trị bệnh mà chỉ có tác dụng hỗ trợ. Tuy nhiên, đơn vị tiếp thị vẫn "hô biến" sản phẩm là thuốc

Anvida không có tác dụng điều trị bệnh mà chỉ có tác dụng hỗ trợ. Tuy nhiên, đơn vị tiếp thị vẫn "hô biến" sản phẩm là thuốc

Quảng cáo trái quy định

Việc quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm hỗ trợ đã được quy định rõ ràng tại các Quyết định, Thông tư của Chính phủ và Bộ Y tế. 

Tại Khoản c, d, Điều 7, Thông tư số 09/2015/TT-BYT đã quy định rõ ràng: c) Không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; d) Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm.

Ngoài ra, tại Mục b, Khoản 3 và Khoản 4, Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì việc quảng cáo thực phẩm phải rõ ràng, chính xác: b) Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. 4. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Thực phẩm Cikan cũng được đơn vị tiếp thị quảng cáo trái quy định vì sản phẩm này không có tác dụng điều trị bệnh như thuốc

Thực phẩm Cikan cũng được đơn vị tiếp thị quảng cáo trái quy định vì sản phẩm này không có tác dụng điều trị bệnh như thuốc

Điều 10, 11 Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định: Cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác

Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật quy định là vậy, nhưng trên các bài tiếp thị của Công ty Cổ phần Anvy cho sản phẩm Anvitra, Anvida, Cikan, Obati, Tangout… đều trái quy định. Thậm chí, đơn vị tiếp thị cũng không chú thích “Sản phẩm này không phải là thuốc không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” như quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc dùng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm cũng trái với các quy định vừa nêu.

Theo Đời sống
back to top