Công nghệ PACS mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh

(khoahocdoisong.vn) - Việc đưa vào ứng dụng công nghệ lưu trữ và truyền hình ảnh y khoa PACS (Picture Archiving and Communication Systems) trả kết quả chẩn đoán hình ảnh không phim tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội không chỉ đáp ứng yêu cầu số hoá trong y tế, giãn cách phòng chống dịch bệnh mà còn là một bước tiến mới mang lại nhiều lợi ích ưu việt cho cả bệnh nhân, bác sĩ, bệnh viện và xã hội.

Tự động trả luôn kết quả

Ông Đ.H. Đ. (sinh năm 1948, Hải Dương) được đưa vào cấp cứu do tai nạn giao thông trong tình trạng tụt huyết áp, tiền sốc. Ngay lập tức bệnh nhân được hồi sức cấp cứu và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Kết quả hình ảnh chấn thương thận trái độ IV, chấn thương lách độ IV, dịch máu ổ bụng, dịch màng phổi hai bên, gãy  xương sườn 6, 7, 9 trái.

Ngay sau chụp hình ảnh của bệnh nhân đã được chuyển về khoa hồi sức cấp cứu, các bác sĩ hội chẩn cấp cứu và bệnh nhân được chỉ định nút mạch thận và lách (nút ổ chảy máu hoạt động cực trên lách và 1/3 dưới thận trái). Sau can thiệp bệnh nhân đã ổn định và đã được xuất viện an toàn.

Hội chẩn từ xa với các bệnh viện vệ tinh.
Hội chẩn từ xa với các bệnh viện vệ tinh.

TS.BS Lê Tuấn Linh, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán hình ảnh & Can thiệp điện quang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trong cấp cứu đôi khi tính mạng người bệnh được tính bằng giây, bằng phút, đặc biệt đối với các chấn thương phức tạp như trên hoặc tai biến mạch máu não do nhồi máu. Hơn nữa, trong thời gian dịch bệnh để đảm bảo thực hiện giãn cách, tránh tiếp xúc và tập trung đông người, cùng với việc tư vấn bệnh online, Bệnh viện đã đưa vào ứng dụng công nghệ trả kết quả chụp không in phim PACS giúp giảm thời gian chờ kết quả, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.

Theo TS.BS Lê Tuấn Linh, PACS là hệ thống công nghệ thông tin có nhiệm vụ lưu trữ, truyền và nhận và cho phép xem, phân tích hình ảnh y khoa. Hình ảnh được lấy từ các thiết bị: X-quang số, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hạt nhân, siêu âm... với định dạng ảnh chuẩn trong y tế trên toàn thế giới hiện nay là DICOM, được lưu trữ tại các máy chủ và truyền đến các máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh thông qua mạng internet hay mạng LAN nội bộ, phục vụ công tác khám, chẩn đoán và điều trị.

Đọc phim cho các bệnh viện tuyến dưới.
Đọc phim cho các bệnh viện tuyến dưới.

Trước đây, sau khi chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hạt nhân, bệnh nhân thường phải đợi từ 60 - 120 phút mới có kết quả. Hiện nay ảnh chụp xong được đẩy lên hệ thống PACS, bác sĩ đọc kết quả xong tự động trả luôn kết quả và hình ảnh về cho bác sĩ lâm sàng cũng như cho bệnh nhân, giúp tiết kiệm nhiều thời gian khám chữa bệnh.

Nhiều lợi ích cho bệnh nhân, bệnh viện và xã hội

Theo TS.BS Lê Tuấn Linh, thực hiện in phim trong phim chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hạt nhân hình ảnh bị cắt bớt dẫn tới việc mất thông tin. Với việc không in phim, bệnh nhân, bác sĩ đều xem được toàn bộ hình ảnh trên màn hình to, độ phân giải cao...chất lượng chẩn đoán được nâng cao rõ rệt.

Đặc biệt, bệnh nhân không phải lưu trữ phim, khi đi khám lại chỉ cần đưa tài khoản cá nhân PACS là bác sĩ có thể xem được kết quả và toàn bộ phim chụp.

Hơn nữa, với phim in trước đây, chất lượng của phim chỉ đọc được trong vòng 6 tháng đến 1 năm, đó là chưa kể tình trạng bị dính nước, ẩm thì phim bị hỏng luôn. Với công nghệ này, hình ảnh của bệnh nhân được lưu trữ 20 – 25 năm theo quy định của Bộ y tế, nên có ý nghĩa rất lớn trong việc theo dõi, điều trị bệnh lý lâu dài.

Buổi giảng cho các học viên khi không có dịch.
Buổi giảng cho các học viên khi không có dịch.

Về phía bệnh viện, công nghệ này giúp giảm chi phí y tế, có thể tiết kiệm hàng tỷ đồng cho bệnh viện do không mất chi phí in phim, lưu kho và người quản lý lưu trữ phim. Bác sĩ có thể hồi cứu được thông tin bệnh nhân cũ nhanh chóng và lâu dài. Các hình ảnh lưu trữ trên hệ thống là tiền đề làm cơ sở để thực hiện bệnh án điện tử, xây dựng nguồn dữ liệu lớn và AI – tương lai của bệnh viện thông minh 4.0.

Ngoài ra, công nghệ này cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội như: Bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa; Giảm chi phí y tế, giúp Bảo hiểm y tế kiểm soát tốt việc thực hiện chẩn đoán hình ảnh, tránh trùng lặp (liên thông dự liệu được giữa các bệnh viện khi chuyển bệnh nhân...).

Hơn nữa, theo TS.BS Lê Tuấn Linh, từ khi áp dụng công nghệ này không chỉ giúp cho việc hội chẩn từ xa được dễ dàng, giảm chi phí đi lại mà nhiều bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã gửi hình ảnh của bệnh nhân lên hệ thống để nhờ các bác sĩ tuyến trên đọc, hội chẩn. Đặc biệt, nhờ có hệ thống này trong khi giãn cách do dịch bệnh Covid-19, các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh không thể tới bệnh viện học trực tiếp vẫn được học qua mạng bằng hình ảnh thực tế các bác sĩ chia sẻ trên hệ thống (ẩn danh người bệnh) để học viên có thể theo học online.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
back to top