Theo khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019:
“Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày;...”
Như vậy, công ty chỉ được chậm trả lương cho nhân viên trong thời gian không quá 30 ngày ngay cả khi đã gửi thông báo cho người lao động biết.
Bên cạnh đó, nếu công ty chậm trả lương từ 15 ngày trở lên (ngay cả trong trường hợp vì lý do bất khả kháng công ty được phép chậm trả lương tối đa 30 ngày) thì phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm.
Nếu chậm trả lương dưới 15 ngày thì công ty không cần phải trả thêm khoản tiền lãi cho nhân viên.
Số tiền lãi này sẽ được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi công ty mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Trước đây, theo Điều 24 Nghị định 05/2015 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động 2012), mức lãi suất được tính theo lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.
Như vậy, từ năm 2021, việc tính lãi chậm lương toàn bộ sẽ được áp dụng theo mức lãi của ngân hàng mà doanh nghiệp mở tài khoản trả lương cho người lao động. Quy định này sẽ đem lại cho người lao động thêm một khoản lợi bởi lãi suất của các ngân hàng mà người lao động chọn mở tài khoản trả lương thường cao hơn so với Ngân hàng nhà nước.