Bỏ xếp loại trên văn bằng: Bằng giỏi trường này chưa chắc bằng điểm trung bình trường khác

(khoahocdoisong.vn) - Thực tế, bằng giỏi trường này cũng chưa chắc bằng điểm trung bình trường khác. Phụ lục văn bằng mới phản ánh một cách chính xác năng lực học tập của người học. Bỏ xếp loại trên văn bằng khiến nhà tuyển dụng phải chú ý hơn tới phụ lục văn bằng.

Nhiều vị trí, bằng cấp loại giỏi chỉ là điểm cao về học thuật

Bộ Giáo dục và đào tạo vừa đưa ra dự thảo lần 1 lấy ý kiến thông tư về ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự).

Theo quy định cũ, người tốt nghiệp sẽ được phân biệt về mức độ: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình,

Còn theo dự thảo này, tên gọi văn bằng tốt nghiệp trình độ đại học chỉ gọi chung là cử nhân, bỏ xếp loại (khá, giỏi, trung bình).

Nội dung này đã làm dấy lên những tranh luận trái chiều. Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này, TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và công nghệ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết: Việc ghi hay không ghi xếp loại tốt nghiệp trong các văn bằng thì tùy thuộc vào nền giáo dục của các nước.

Có những nước, các bằng cử nhân hoặc tương đương, thạc sĩ và tiến sĩ đều không ghi thông tin xếp loại tốt nghiệp; cũng có những nước, tấc cả các văn bằng từ cử nhân hoặc tương đương, thạc sĩ và tiến sĩ đều ghi xếp loại tốt nghiệp; và nhóm nước thứ ba thì ghi thông tin xếp loại tốt nghiệp đối với bằng đại học, nhưng đối với bằng thạc sĩ và tiến sĩ thì không.

Việt Nam thuộc nhóm thứ ba. Hiện, Bộ GD&ĐT dự thảo quy định không bắt buộc ghi thông tin xếp loại trên bằng đại học. Và nếu dự thảo mới này được thực hiện thì Việt Nam trở thành nhóm nước thứ nhất.

TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và công nghệ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và công nghệ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

“Thật ra, bằng tốt nghiệp cử nhân hoặc tương đương chỉ là chứng nhận đạt đầy đủ yêu cầu của một chương trình đào tạo của một đại học; do đó, việc không bắt buộc ghi thông tin xếp loại thì cũng chẳng có gì sai.

Tùy thuộc vào nhu cầu tuyển dụng, bảng điểm đính kèm của ứng viên sẽ được xem xét. Ví dụ, chọn một ứng viên để đào tạo thành một giảng viên giảng dạy bậc cử nhân hoặc tương đương mà học lực bậc cử nhân thuộc loại trung bình thì sẽ rất khó khăn, và nhiều đại học sẽ khó chấp nhận điều này.

Nhưng nhiều vị trí thì bằng cấp loại giỏi thì cũng đơn giản là điểm cao về học thuật thôi, chứ điều đó chưa bảo đảm sự thành công trong công việc”, ông Út nói.

Tuy nhiên, ông Út cũng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam, nền giáo dục còn cần thêm nhiều thời gian và sự quyết tâm để theo kịp các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thì thông tin xếp loại trên bằng cấp cũng cần thiết, đó là tín hiệu quan trọng cho sự lựa chọn của nhà tuyển dụng, và cũng là sự ghi nhận quan trọng nhằm khuyến khích những người có nhiều cố gắng trong học tập và đạt loại tốt nghiệp cao.

Trong thực tế, người sử dụng lao động thường nhìn tên của trường trước khi xem xét đến các thông tin khác nên việc tốt nghiệp từ những đại học có uy tín là rất quan trọng, bởi lẽ việc chấm điểm/xếp loại tốt nghiệp của mỗi trường thường có rất nhiều khác biệt.

Việc Bộ dự kiến không bắt buộc phải ghi loại tốt nghiệp trong văn bằng cử nhân hoặc tương đương thì các đại học có thể lựa chọn cách tiếp cận thích hợp nhất.

Một trong những cách tiếp cận mà các đại học có thể xem xét là có thể chỉ ghi những loại xếp hạng ưu vào trong văn bằng, coi như một cách tưởng thưởng cho người có thành tích vượt trội.

Ngoài ra, các bậc xếp hạng cao trong văn bằng của Việt Nam cũng đã gây lúng túng cho các đồng nghiệp quốc tế (như trung bình khá, khá, giỏi, xuất sắc) khi dịch sang tiếng Anh. Về vấn đề này, các đại học Việt Nam có thể tham khảo cách xếp bậc tốt nghiệp mà nhiều đại học đẳng cấp trên thế giới đang dùng.

Cần có quy định chi tiết về phụ lục văn bằng

Trao đổi với KH&ĐS, Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ, về xếp loại trên văn bằng theo như ông biết hiện nay có những nước ghi, có những nước không ghi. Nhưng chắc chắn một điều là kết quả học tập thì phải có bảng điểm, phụ lục văn bằng đi kèm.

Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Và trên phụ lục văn bằng này thường có thông tin tương đối chi tiết ghi rất rõ đạt điểm bao nhiêu và được xếp thứ bao nhiêu trong các nhóm đó.

Và một người xếp loại bằng khá nhưng có khi lại được đánh giá tốt hơn một người thuộc nhóm bằng giỏi khác. Bởi vì, còn tùy thuộc vào cái thang đo, cách thức đánh giá điểm của từng cơ sở giáo dục.

Ví dụ,  một người bằng khá nhưng ở trong top 5, top 10 của khóa đó, của một cơ sở giáo dục thuộc top uy tín thì sẽ được đánh giá cao. Trong khi bằng giỏi nhưng đến 50% hoặc 70% nhóm đấy đều đạt giỏi cả hoặc ở một cơ sở giáo dục thuộc top trung bình thì chưa chắc đã được đánh giá cao.

“Cho nên, thông tin chi tiết trong văn bằng, ghi rõ đạt được ở mức nào và đạt điểm bình quân trung vị ở nhóm này là bao nhiêu, thuộc vị trí nào ở trong các nhóm đó sẽ phản ánh một cách chính xác năng lực học tập của người học, chứ không phải là xếp loại “giỏi”, “khá”, “trung bình”. Chính vì lý do đó cho nên có nhiều nước người ta không ghi xếp loại bằng”, ông Cường nói.

Về lo ngại việc không xếp loại không văn bằng có làm mất đi sự động viên, khích lệ học tập, ông Cường cho biết, nếu trong phụ lục văn bằng ghi rõ, chi tiết thì chúng ta vẫn nắm được đầy đủ thông tin về kết quả học tập và về năng lực của người học, không lo người giỏi sẽ chịu thiệt thòi.

Việc bỏ xếp loại trên văn bằng có khi lại là những điều tốt hơn để cho người sử dụng tuyển dụng phải quan tâm nhiều hơn đến thông tin trên kết quả học tập.

Vì vậy, nếu chúng ta không quy định xếp loại trên văn bằng thì nên có quy định chi tiết về phụ lục văn bằng. Không chỉ là xếp hạng, xếp loại mà cần phải đánh giá rõ người này đạt được kết quả đứng vào vị trí nào của khóa, của lớp, của môn học đó.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top