Ba bài thuốc đại bổ khí huyết nổi tiếng

(khoahocdoisong.vn) - Khi ta dùng thuốc bồi bổ khí huyết sẽ giúp cho cơ thể  khỏe mạnh, bệnh tật không phát sinh.

Khí huyết vận hành chu lưu khắp cơ thể con người ngày đêm không ngừng, thuận thì vô bệnh, bị cản trở làm cho biểu lý không thông, thăng dáng không theo quy luật, thanh trọc lẫn lộn, thì sẽ phát sinh trăm bệnh về khí huyết. Bồi bổ khí huyết cũng là thuốc bổ tỳ thổ vì huyết do tỳ thổ sinh ra. Dùng thuốc bồi bổ khí huyết sẽ giúp cho cơ thể  khỏe mạnh, bệnh tật không phát sinh.

Theo y học cổ truyền các tạng phế và thận là hai tạng chủ của khí, còn 2 tạng tâm và can là 2 tạng chủ của huyết. Khí huyết cùng hư nhược gây tổn thương cả tâm lẫn phế (vì tâm chủ huyết mà phế chủ khí). 

Khí và huyết là hai phần vô hình và hữu hình của cơ thể con người. Hai phần đó cũng gọi là âm và dương, không thể không có nhau. Khí hòa trong huyết thúc đẩy huyết lưu thông. Huyết nhờ khí mà vận hành, huyết mang khí đi, nhờ khí, huyết mới hành. Vì vậy trong điều trị “bổ khí và hành huyết” thường đi đôi với nhau.

Thập toàn đại bổ thang: Đây là bài “Bát trân thang” gia thêm hoàng kỳ, nhục quế, để chữa khí huyết hư nhược, người mệt mỏi, lão suy, ăn uống kém, da khô, lưỡi nứt, sợ lạnh do hư hỏa. Vì vậy phải dùng nhân sâm, hoàng kỳ lại gia thêm nhục quế để dẫn hỏa quy nguyên. Bài này gồm 10 vị lấy số 10 là số thành của đất nên gọi là thập toàn.

Bài thuốc gồm: Đẳng sâm 16g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, cam thảo 6g, đường quy 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 8g. hoàng kỳ 10g, nhục quế 6g. Sắc uống hàng ngày.

Công dụng: Bổ khí huyết. Thuốc dùng trong các trường hợp thể lực bị suy yếu sau khi ốm dậy, người mệt mỏi rã rời, ǎn uống không ngon miệng, đổ mồ hôi trộm, lạnh chân tay, thiếu máu. Bài này dùng trị các hư chứng ở thời kỳ toàn thân suy nhược vì những bệnh mạn tính. Thuốc còn dùng cho những trường hợp cả khí lẫn huyết đều hư, người sốt rét, tháo mồ hôi, suy nhược sau đẻ, sau phẫu thuật, sau khi bị các bệnh nhiệt, thị lực giảm sau khi bị các chứng bệnh xuất huyết, lòi dom, tràng nhạc, ...Thuốc này không dùng cho những người nhiệt cao và nǎng hoạt động, hoặc những người sau khi dùng thuốc này thì ǎn uống kém ngon, ỉa chảy, sốt.

Thập toàn bố chính thang: Bài thuốc chủ trị các chứng tâm tỳ dương hư gồm: Nhân sâm 10g, hoàng kỳ 15g, táo nhân sao 15g, đương quy 12g, bạch thược 15g, bạch truật 15g, bạch linh 15g,  đỗ trọng 15g, ngưu tất 12g, nhục quế 8g, đại táo 03 quả. Sắc nước uống.

Công dụng: Dùng để chữa chứng dương khí của tâm và tỳ không đủ, khí huyết ngũ tạng đều tổn thương, tự ra mồ hôi trộm, sợ lạnh, phát sốt, đau mỏi lưng cơ... Mục đích điều trị: bổ chính khí để chống lại tà khí.

Gia giảm: Tâm nhiệt thì gia thêm đăng tâm; Âm hư nhiều thêm thục địa; Khí trệ gia mộc hương; Ho (đờm nhiều) bỏ  nhân sâm, hoàng kỳ gia mạch môn, viễn chí; Ngoại cảm bỏ nhân sâm, gia sài hồ, sinh khương; Mạch xích bên phải (mệnh môn hỏa) hữu lực bỏ quế.

Hoàng Kỳ đại bổ thang: Điều dưỡng khí huyết. Trị khí huyết đều hư, tự ra mồ hôi không cầm (dương hư), chân tay lạnh (quyết). Vị thuốc: Bạch truật 40g, hoàng kỳ 40g, ngũ vị tử 40, nhụ quế 40g; nhục thung dung  40g,  phòng phong 40g, thục địa 80g, xuyên khung 40g. Sắc uống.

Công dụng: Dùng để chữa khí huyết đều hư nhược sinh chứng ra mồ hôi hoặc chỉ hoặc kém chứng dương hư chân tay lạnh giá.

Lưu ý: Khi dùng cần phải chọn lựa loại thuốc tốt bài thuốc mới có hiệu quả. Vị thuốc nhục quế kỵ thai, kỵ xích thạch chi khi dùng cần chú ý. Thục địa kỵ các thứ huyết, củ cải, hành... nên kiêng khi uống thuốc hoặc dùng cách xa khi ăn trên 1 giờ

GS.TSKH Hoàng Tuấn (nguyên Giám đốc Bệnh viện 19/8)

Theo Đời sống
back to top