TNG Holdings và những cuộc thầu thân hữu thâu tóm bất động sản địa phương

(khoahocdoisong.vn) - TNG Holdings và các thành viên trong “hệ sinh thái” của doanh nghiệp này đã trúng thầu hàng loạt các dự án tại nhiều địa phương. Nhưng cách mà nhóm doanh nghiệp này trúng thầu theo hình thức chỉ định, thì rất đáng lưu ý.
Tòa nhà TNR Tower Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Tòa nhà TNR Tower Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Hầu hết là chỉ định

Tìm hiểu cho thấy, vài năm trở lại đây các doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn TNG Holdings, hoặc liên quan tới Tập đoàn này, đã tham gia và trúng thầu hàng loạt các dự án bất động sản lớn, nhỏ tại nhiều địa phương. Đáng chú ý, hầu hết các dự án mà nhóm này trúng thầu đều theo hình thức chỉ định thầu.

Chẳng hạn, tháng 5/2020, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt chỉ định Liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam và Công ty CP Bất động sản HANO-VID trúng thầu dự án Khu dân cư Đức Xuân 4, TP Bắc Kạn (giai đoạn 1) với quy mô dự án 5,5ha.

Trước đó, tháng 5/2019, UBND tỉnh Cao Bằng cũng phê duyệt chỉ định Liên danh này trúng thầu Dự án phát triển đô thị số 10A, phường Sông Hiến, TP Cao Bằng với quy mô khoảng 18,4ha, tổng chi phí 514 tỷ đồng.

Tháng 6/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Công ty CP Bất động sản HANO - VID trúng thầu Dự án Khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 1, huyện Hương Sơn, quy mô 10,8ha, tổng chi phí thực hiện dự án gần 800 tỷ đồng. Cũng thời gian này, HANO - VID trúng thầu theo hình thức chỉ định dự án Khu dân cư 5A – 7B, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, quy mô 50ha, chi phí thực hiện 1.200 tỷ đồng.

Hay tháng 2/2020, công ty này cũng được chỉ định thầu dự án Khu dân cư tập trung Tổ dân phố 3, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút (Đắk Nông) rộng 11,655ha, chi phí dự án là 127 tỷ đồng. Trong năm 2019, Liên danh Công ty CP May - Diêm Sài Gòn và Công ty CP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân cũng đã lọt qua vòng sơ tuyển Dự án Khu dân cư đô thị ven sông Hội, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh (giai đoạn 2) có quy mô 21ha, tổng mức đầu tư 898 tỷ đồng.

Thực tế, còn nhiều dự án tại nhiều tỉnh, thành khác đã “về tay” nhóm TNG Holdings theo cách tương tự.

Với nhiều doanh nghiệp khác, để tham gia và trúng thầu dự án liên quan đến quyền sử dụng đất là khó khăn. Nhưng riêng với TNG Holdings và các doanh nghiệp thành viên, liên quan, rất nhiều dự án tại nhiều tỉnh thành đã “về tay” Tập đoàn này theo cách tương tự, thông qua sự liên kết của nhóm các doanh nghiệp thành viên hoặc liên quan.

TNI Holdings đang phát triển nhiều dự án KCN tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

TNI Holdings đang phát triển nhiều dự án KCN tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Cách “vượt thầu”

Một dự án đáng lưu ý trong quá trình đấu thầu mà các thành viên của TNG Holdings tham gia trúng thầu là đầu tư xây dựng Khu biệt thự sông Uông, TP Uông Bí (Quảng Ninh) với quy mô khoảng 32ha, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Tháng 12/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Liên danh Công ty CP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) và Công ty CP đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR Holdings) trúng thầu dự án này theo hình thức chỉ định thầu, bởi trước đó chỉ duy nhất Liên danh này trúng vòng sơ tuyển.

Cần biết rằng trong tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án có sử dụng đất, thì vòng sơ tuyển thầu là khâu quan trọng, là “cánh cửa” đầu tiên mà các doanh nghiệp muốn trúng thầu phải vượt qua.

Ở dự án xây dựng - kinh doanh Khu biệt thự sông Uông cũng vậy. Theo nguồn tin của Phóng viên KH&ĐS, ngày 30/8/2018 UBND TP Uông Bí đã mở thầu lựa chọn nhà đầu tư vào dự án này.

Tại buổi mở thầu có 3 nhà đầu tư tham gia dự sơ tuyển gồm: Công ty HANO-VID, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang (Công ty Nam Quang) và Công ty CP Đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings Việt Nam (Công ty TNR Holdings). Kết quả Liên danh Công ty Việt Hân và TNR Holdings trúng thầu theo chỉ định.

Nhìn nhận vào nhóm các nhà thầu đối thủ tham dự và trúng thầu tại dự án này có thể thấy, tất cả đều là các doanh nghiệp thành viên hoặc liên quan tới Tập đoàn TNG Holdings.

Trong đó, Công ty TNR Holdings và Công ty Việt Hân đều là thành viên của TNG Holdings, hoặc thân hữu; HANO-VID thuộc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) vốn do vợ chồng doanh nhân Trần Anh Tuấn và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là người gây dựng.

"Đối thủ" cuối cùng là nhà thầu Công ty Nam Quang, trụ sở tại KCN Nam Sách, tỉnh Hải Dương có cổ đông sáng lập ban đầu chính là VID Group, ông Trần Phi Hạnh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Công ty Nam Quang là nhà đầu tư của 03 KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương, gồm KCN Nam Sách, KCN Phúc Điền, KCN Tân Trường. Hiện nay, TNI Holdings - một thành viên của TNG Holdings - đang là đơn vị phát triển 3 KCN này.

Dù là đối thủ với nhau trong quá trình đấu thầu dự án Khu biệt thự Sông Uông, nhưng TNR Holdings và Công ty Nam Quang lại là đối tác với nhau tại Dự án phát triển đô thị số 7A, phường Sông Hiến, TP Cao Bằng, khi Liên danh này được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt trúng thầu dự án cũng theo hình thức chỉ định.

Hay như Công ty Nam Quang và Công ty Việt Hân, dù là đối thủ của nhau tại dự án Khu biệt thự Sông Uông, nhưng hai công ty này lại là đối tác của nhau trong đấu thầu dự án 27ha Khu dân cư đô thị Tây bắc II, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk. Đây cũng là liên danh duy nhất tham gia và thắng thầu ngay từ vòng sơ tuyển, để sau đó được chỉ định thầu thực hiện dự án.

Cần nói rõ, “kịch bản” chỉ duy nhất một nhà thầu trúng vòng sơ tuyển, để sau đó chính thức được chỉ định thực hiện dự án là không trái pháp luật và cũng rất phổ biến trong thực hiện dự án bất động sản, đầu tư hạ tầng... tại các địa phương hiện nay. Mặt khác, việc nhiều doanh nghiệp có mối liên quan với nhau cùng tham gia sơ tuyển một dự án cũng không là chuyện hiếm gặp.

Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra nghi vấn về việc các quy định đấu thầu đã bị "bẻ cong", để tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích dàn xếp, thao túng hoạt động đấu thầu. Đó đang là vấn đề cần được làm rõ.

Theo Đời sống
back to top