Tính khoa học của việc đối xử nhân đạo với vật nuôi

(khoahocdoisong.vn) - Từ ngày 1/1/2020 Luật Chăn nuôi 2018 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới liên quan đến vấn đề đối xử nhân đạo với vật nuôi. Theo các chuyên gia, việc đối xử nhân đạo với vật nuôi đem lại nhiều lợi ích trong bảo tồn giống và nâng cao chất lượng thịt.

Xu hướng tất yếu

Theo Luật Chăn nuôi 2018, các tổ chức, cá nhân phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; hạn chế làm chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi. TS Nguyễn Quế Côi, nguyên cán bộ Viện Chăn nuôi cho biết, trên thế giới từ lâu đã có những quy định chặt chẽ về vấn đề đối xử với động vật. 

Một quy định đáng chú ý trong luật này là quy định trong quá trình giết mổ vật nuôi phải có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ. Cách giết mổ khi gia súc, vật nuôi còn sống sẽ gây đau đớn, dẫn đến thịt bị dai, có nhiều trường hợp máu còn tụ lại thì chất lượng thịt chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Lý do là cách giết này ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh của gia súc, vật nuôi.

Hiện tại với những nơi giết mổ công nghiệp thì có thể thực hiện được điều này, bởi mỗi một công đoạn giết mổ sẽ có khu vực riêng. Còn với các lò giết mổ thủ công thì khoảng cách từ chuồng đến chỗ gây ngất khá gần nhau, vật nuôi chắc chắn sẽ chứng kiến cảnh đồng loại bị giết và bị ảnh hưởng về tâm lý. Trong Luật Thú y cũng đã quy định về quy trình giết mổ vật nuôi, tuy nhiên những quy định về tính nhân đạo lại không được quy định chi tiết như Luật Chăn nuôi này.

“Qua các nghiên cứu và cũng như thực tế cho thấy, động vật được đối xử nhân đạo, được chăm sóc tốt sẽ có khả năng phát triển tốt hơn, sinh sản tốt hơn, cho nhiều sữa hơn, con giống cũng khoẻ mạnh hơn. Để có được điều này thì phải dần thực hiện công nghiệp hóa các khâu chăm sóc, giết mổ động vật, hạn chế tối đa cách làm thủ công phổ biến từ trước đến nay”, TS Nguyễn Quế Côi.

Động vật cũng có tình cảm

PGS.TS Phạm Kim Đăng, Phó trưởng Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc giết mổ vật nuôi trước mặt đồng loại có thể gây ra 2 hậu quả chính. Thứ nhất, việc này sẽ vi phạm quy định về phúc lợi cho vật nuôi trong giết mổ trong Luật Chăn nuôi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Thứ hai, vật nuôi cũng giống con người, cũng có cảm xúc. Việc giết mổ vật nuôi trước mặt đồng loại sẽ khiến những con vật khác sợ hãi hoặc stress, chúng sẽ sản sinh ra một loại hormon tên là cortisol và huy động năng lượng để chống lại điều này. Những vật nuôi bị giết mổ khi đang sợ hãi hay stress sẽ cho chất lượng thịt kém hơn những con bị giết mổ trong trạng thái bình thường.

Ngoài ra, theo PGS.TS Phạm Kim Đăng, thịt của những con bị giết mổ trong trạng thái sợ hãi, stress sẽ bị biến đổi về mặt chất lượng rất nhanh, thịt không ngon. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị của sản phẩm thịt và quyền lợi của người tiêu dùng.

Thịt của những con vật bị giết hại trong trạng thái sợ hãi, stress không độc hại, không ảnh hưởng gì tới sức khoẻ người tiêu dùng. Chỉ có điều loại thịt này sẽ bị giảm về mặt dinh dưỡng và cảm quan (độ ngon). Ở một số nước Châu Âu, các sản phẩm thịt động vật còn được gắn nhãn đảm bảo phúc lợi động vật (PLĐV) - tức là động vật được kích ngất tức thời, khi giết mổ không phải chịu đau đớn và sợ hãi. Người tiêu dùng cũng sẽ ưu tiên chọn những sản phẩm có dán nhãn này.  Việc đảm bảo phúc lợi cho vật nuôi là một quy định mới, tiến bộ và là một trong những tiêu chí để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững.   

 PGS.TS Nguyễn Huy Đạt, nguyên Giám đốc Trung tâm Chăn nuôi và Huấn luyện gia cầm cho biết, thực tế đã chứng minh, những con lợn bị đánh đập nhiều trước khi giết mổ sẽ tiết ra chất có hại làm giảm chất lượng thịt, thời gian bảo quản thịt không được lâu. Kể cả ở những gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng cũng như vậy. Bởi thế mà ở nhiều nước trên thế giới, người ta cố gắng tạo những điều kiện sống tốt nhất cho động vật được thoải mái để tránh những chất có hại trong thịt của chúng.

Theo Đời sống
back to top