Nữ tiến sĩ hóa học người Việt tạo ra vật liệu xây dựng chống cháy

TS Nguyễn Thúy Quỳnh (Kate Nguyen) với các nghiên cứu chế tạo vật liệu chống cháy đã được bình chọn là nhà nghiên cứu hàng đầu của Australia về vật liệu tổng hợp năm 2021. Các nghiên cứu của TS Nguyễn Thúy Quỳnh giúp bảo vệ các ngôi nhà và công trình xây dựng không bị tàn phá bởi cháy rừng.
kate-nguyen.jpg

Tăng khả năng chịu lửa, chống cháy cho ngôi nhà

TS Nguyễn Thúy Quỳnh thường được gọi thân mật là Dr. Kate Nguyễn. Chị hiện sinh sống tại Úc và là chuyên gia hóa học, giảng viên cao cấp, nghiên cứu viên tại Đại học RMIT.

Tại Đại học RMIT, TS Nguyễn Thúy Quỳnh điều hành một trung tâm nghiên cứu về vật liệu xây dựng nâng cao, đặc biệt tập trung vào khả năng chống cháy của vật liệu và cấu trúc. Chị hiện là lãnh đạo Nhóm Kỹ thuật bề mặt & Sáng tạo phòng cháy tại RMIT. TS Nguyễn Thúy Quỳnh cũng là thành viên một số dự án về thiết kế bảo vệ chống cháy cho các tòa nhà của Úc và nhiều nước trên thế giới.

Nhật báo quốc gia Úc - The Australian mới đây đã bình chọn Dr. Kate Nguyễn là nhà nghiên cứu hàng đầu của Australia về vật liệu tổng hợp (composite) trong năm 2021. Chị được vinh danh bởi có nhiều nghiên cứu mang tính đột phá trong vật liệu tổng hợp, đặc biệt là vật liệu chống cháy. Nghiên cứu của TS Nguyễn Thúy Quỳnh có thể giúp bảo vệ các ngôi nhà và công trình xây dựng không bị tàn phá bởi nạn cháy rừng hoành hành ở Úc.

Trước đó, Dr. Kate Nguyễn được Quỹ Phụ nữ nghiên cứu khoa học L’Oréal-UNESCO tài trợ nghiên cứu độc lập để chế tạo thành công một loại vật liệu chống cháy, dùng để phủ lên tường các ngôi nhà, tạo ra lớp vỏ bảo vệ giúp ngôi nhà chống chọi được ngọn lửa tàn phá. Đặc biệt, bên cạnh tác dụng chống cháy và tăng hiệu quả cách nhiệt cho các ngôi nhà, chất phủ Kate Nguyễn tạo ra còn mang tính bền vững đối với môi trường.

Theo TS Nguyễn Thúy Quỳnh, lớp phủ chống cháy tòa nhà có bề mặt giống như gốm được sáng chế từ chất thải công nghiệp và chất thải xây dựng trộn với hóa chất chống cháy. Sản phẩm tận dụng phế liệu, giúp giảm thải ô nhiễm môi trường, chi phí thấp, dễ sản xuất đại trà ở bất kỳ đâu.

quynh-nguyen.jpg

Sáng kiến từ đam mê nghiên cứu

Từ khi còn trên ghế nhà trường, Nguyễn Thúy Quỳnh đã có niềm đam mê nghiên cứu. Đỗ thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2006, Nguyễn Thúy Quỳnh là một trong những sinh viên được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam trao tặng bằng khen học sinh xuất sắc nhất năm 2006. Cũng trong năm đó, nghiên cứu của Nguyễn Thúy Quỳnh đã được trao giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam Vifotec - VEF 2006”. Chị cũng đoạt Học bổng Odon-Vallet dành cho những sinh viên có nghiên cứu xuất sắc toàn quốc.

Với thành tích xuất sắc, năm 2011 Nguyễn Thúy Quỳnh sang Úc nghiên cứu tiến sĩ. Tại đây, chị nghe nói rất nhiều về những đám cháy rừng dữ dội bùng phát trên khắp nước Úc vào những tháng mùa hè. Điều đó đã khiến chị suy nghĩ về một giải pháp chống cháy dưới góc nhìn vật liệu xây dựng.

TS Nguyễn Thúy Quỳnh cho biết, tuy tàn phá nặng nề nhưng các đám cháy rừng thường di chuyển nhanh. Một công trình nông thôn có thể chỉ phải chống chọi với sức nóng và ngọn lửa trong một thời gian ngắn cho đến khi nguy hiểm qua đi. Do đó, chị mong muốn nghiên cứu một lớp phủ bổ sung bên trên bề mặt cơ sở hạ tầng hiện có để kéo dài thời gian mà cấu trúc có thể chịu được cường độ đám cháy cho đến khi nó qua đi.

Sau nhiều miệt mài thử nghiệm, nhà hóa học Dr. Kate Nguyễn đã thành công trong việc giảm nhiệt và áp suất để tạo ra lớp phủ bảo vệ ngôi nhà. Hiện tại, chị đang làm việc với các đối tác trong ngành xây dựng để lớp phủ chống cháy sẽ được bán trên thị trường trong năm tới.

Thành công của TS Nguyễn Thúy Quỳnh đã tạo ra sự thay đổi cho ngành xây dựng và sẽ cứu giúp nhiều người thoát khỏi nguy hiểm cháy rừng ở Úc. Với những cống hiến trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chị vừa được Học viện Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật Úc trao Huy chương Batterham cho Kỹ thuật xuất sắc năm 2021.

nhua-chong-chay.jpg
Composite chống cháy.

TS Nguyễn Thúy Quỳnh hiện là thành viên của Hiệp hội Khoa học An toàn Phòng cháy chữa cháy Quốc tế; thành viên Hội đồng Tòa nhà Cao tầng và Môi trường sống Đô thị Úc; thành viên danh dự của Đại học Melbourne (từ năm 2019). Trong quá trình công tác, nghiên cứu, chị đã được trao tặng rất nhiều giải thưởng danh giá gồm: L'OREAL-UNESCO Vì Phụ nữ trong Khoa học 2020, Úc và New Zealand; Giải thưởng RMIT cho Nghiên cứu Xuất sắc - Nhà nghiên cứu Khởi nghiệp Sớm (Doanh nghiệp) 2020; Huy chương Batterham cho Kỹ thuật xuất sắc năm 2021, Học viện Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật Úc...

Theo Đời sống
back to top