Đốt rác phát điện: Hay nhưng chưa đủ

(khoahocdoisong.vn) - Công nghệ đốt rác phát điện đang là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Việt Nam đã kêu gọi phát triển các dự án này từ năm 2012, nhưng đến nay phần lớn rơi vào tình trạng không khả thi.

Lý thuyết màu hồng

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, 70% chôn lấp trực tiếp.

Đáng chú ý, các lò đốt rác hiện nay đều là các lò công suất thấp và thải ra nhiều tro gây độc hại. Còn phương án chôn lấp, tới 75% rác chôn lấp không hợp vệ sinh, số còn lại đang dần bộc lộ những khuyết điểm cần sửa chữa.

Mới đây, Nghị quyết của Bộ Chính trị số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về các vấn đề phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường cũng đã có nhiều nội dung nhấn mạnh đến giải quyết ô nhiễm rác thải bằng các công nghệ hiện đại và phù hợp với Việt Nam. 

Trong đó chỉ rõ, cần gắn việc năng lực tái tạo với bảo vệ môi trường. Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và các dự án đầu tư từ dự án PPP. Đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn thì điện rác cũng là một vòng kinh tế tuần hoàn; Phát triển xử lý chất thải trong sản xuất năng lượng với công nghệ tiên tiến. Khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường gắn với ngành năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài Nguyên & Môi trường cũng nhìn nhận: "Trong tương lai cần nhắm tới chủ đề các công nghệ xử lý rác thải. Trong đó, sẽ tổng kết một cách khái quát thực trạng hiện nay, đánh giá các công nghệ đã và đang được áp dụng tại Việt Nam, phân tích nguyên nhân vì sao ô nhiễm rác thải chưa được giải quyết một cách cơ bản và lâu dài. Từ đó, đề xuất định hướng và các giải pháp công nghệ phù hợp”.

Trong đó, đốt rác phát điện được xem là giải pháp tối ưu trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghệ này được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước. Với nhà máy sản xuất dây chuyền xử lý rác thải theo công nghệ mới tối ưu, có thể xử lý triệt để rác thải chỉ còn dưới 2%, không xả thải ra môi trường, điện năng phát lên lưới gấp 3 lần công nghệ đốt rác thông thường…

Đây cũng là công nghệ duy nhất đáp ứng điều kiện chất thải còn lại mang chôn lấp dưới 5%. Các bãi rác cũ sẽ được hoàn nguyên thành công viên cây xanh hoặc đất sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, còn có thể cung cấp năng lượng xanh tái chế và tái sử dụng vật liệu hữu ích được phân loại từ rác, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Chưa làm được phân loại rác

Thực tế việc kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng cách đốt phát điện đã tiến hành từ năm 2012. Đến nay rất nhiều công nghệ xử lý điện rác đã được triển khai, nhưng không ít trong số đó chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. 

Cụ thể, trong 9 dự án đốt rác phát điện hình thức liên doanh với Trung Quốc thì chỉ còn duy nhất một dự án ở Cần Thơ phát điện vào năm 2018 là dự án thành công hiếm hoi duy nhất ở Việt Nam. Nhưng đang dần xuất hiện các bất cập trong hệ thống xử lý như lượng tro bay đã gần đầy kho…

Ngoài ra, còn có các dự án đốt rác phát điện của các nước phát triển khác nhưng vẫn chưa có đánh giá kết quả, hoặc đang trong quá trình triển khai như dự án NEDO công nghệ của Nhật Bản tại bãi rác Nam Sơn (Hà Nội), dự án Tâm Sinh Nghĩa công nghệ Đức tại Khu xử lý rác Tây Bắc xã Phước Hiệp (TPHCM).

Nhận định về những khó khăn trong đốt rác phát điện, GS.TS Lê Vân Trình, Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật bảo hộ lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định: “Các lò không có lỗi, lỗi ở đây là việc phân loại rác thải chúng ta không thể làm được. Nếu không phân loại rác được thì công nghệ nào cũng sẽ bó tay”.

Thực tế, với các công nghệ của Đức hay Nhật, yêu cầu rác phải được phân loại ngay từ đầu. Rác được đưa vào lò đốt phải đảm bảo nhiệt trị để duy trì hoạt động của lò đốt. Tuy nhiên, tại Việt Nam rác thải chưa được phân loại nên các công nghệ này khó có thể hoạt động.

Ngoài ra, việc đốt rác phát điện cần vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Theo số liệu từ Viện Môi trường và Tài nguyên – Đại học Quốc gia TPHCM, chi phí để xử lý 1 tấn chất thải bằng phương pháp đốt rác phát điện lên tới hơn 140USD, cao gấp 9 lần so với các phương pháp chôn lấp hay ủ phân hiện nay (khoảng 16USD/tấn).

Đầu ra của dự án cũng là một dấu hỏi đối với các chủ đầu tư. Bởi chi phí đầu vào cao, yêu cầu phải có các ưu đã về chính sách để doanh nghiệp có thể thu hồi vốn và hoạt động có lãi. Trong khi đó, hình thức đầu tư nhà máy điện rác hiện nay giống như PPP nhưng phần lớn là vốn của tư nhân. Điển hình là 9 nhà máy liên doanh với Trung Quốc thì Trung Quốc góp 95% vốn, Nhà nước chỉ bỏ ra một ít chi phí để xử lý bên ngoài. Vì thế, việc đầu tư xử lý rác không phải là đầu tư công. Nhà đầu tư tư nhân đương nhiên phải tính toán kinh tế.

Theo Đời sống
Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Đề xuất 2 phương án xây chung cư mini

Bộ Xây dựng đã đề xuất 2 phương án phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ ở của hộ gia đình, cá nhân (còn gọi là chung cư mini) trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi trình Chính phủ
“Chợ nhảy” gây cản trở giao thông

“Chợ nhảy” gây cản trở giao thông

Những năm gần đây, vào khung giờ tan ca buổi chiều hàng ngày, một đoạn dài khoảng vài km trên QL1A, chạy qua khu Công nghiệp Tân Tạo luôn trở nên ùn ứ tắc nghẽn, khiến người và phương tiện qua lại khu vực này vô cùng khổ sở.
back to top