Yêu nước là không tham nhũng

(khoahocdoisong.vn) - Yêu nước là không tham nhũng, chia sẻ của nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên. Yêu nước là truyền thống, là kết tinh cao nhất của văn hoá, vì vậy nó không thể mất đi.

Ngày xưa đánh giặc đâu có như thế này

Chúng ta nói nhiều tới truyền thống yêu nước. Nhưng nhiều khi tôi cứ tự hỏi, không biết người Việt mình bây giờ có còn yêu nước như xưa không?

Trước hết phải khẳng định một điều: Dân tộc Việt Nam tồn tại được cho đến ngày nay, qua biết bao nhiêu cuộc chiến tranh là nhờ vào lòng yêu nước. Lòng yêu nước đó là vĩnh cửu. Chỉ có điều khi dân tộc đứng trước hiểm hoạ xâm lược thì lòng yêu nước được thể hiện ở đỉnh cao nhất, đó là sự hy sinh thân mình để bảo vệ tổ quốc. Còn bây giờ sang giai đoạn hoà bình, xây dựng đất nước, chúng ta hiểu nó, vận dụng, thể hiện nó bằng cách gì, như thế nào mà thôi. 

Đó chính là điều khiến tôi băn khoăn. Liệu chúng ta có yêu nước không khi mà làm gì ta cũng nghĩ đến lợi ích bản thân mình trước tiên?

Đấy cũng là băn khoăn của rất nhiều người. Tôi đã gặp những người bộ đội, họ bảo: Ngày xưa tôi đi đánh giặc đâu có như thế này. Thấy kẻ thù trước mặt, phải chiến đấu đến cùng. Nhưng bây giờ khó quá. Kẻ thù vô hình, ở đâu đó, rất khó nhận biết. Nhiều người khóc thực sự, họ nói: Tôi nghĩ về đồng đội đã hy sinh, thương họ, không thể nào chịu được. Chúng tôi đã chiến đấu, hy sinh vì cái gì?

Trong thời bình của chúng ta, lòng yêu nước phải tiếp tục nung nấu, làm thế nào để mọi người dân, mọi thế hệ từ trẻ đến già, phải gắn bó, phải yêu đất nước này, phải thấy Việt Nam mãi là quê hương.

Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy nước nào đẹp như nước mình. Đúng là non sông gấm vóc. Đi từ Lũng Cú, đường Hồ Chí Minh, lúc qua rừng núi đẹp vô cùng, lúc lại men theo bờ biển đẹp không thể tưởng tượng được. Những người con của đất Việt đâu chỉ có niềm tự hào vì truyền thống bất khuất của cha ông. Đất nước mình đẹp lắm. Chúng ta đã có sẵn hòn ngọc trong tay, phải làm sao cho mỗi người dân đều yêu quý và tự hào về hòn ngọc ấy và không bao giờ quên ý thức phải gìn giữ cho nó ngày một sáng hơn.

Khủng hoảng về lòng tin

Có những thanh niên nói rằng: xã hội lắm tiêu cực thế, có gì mà yêu? 

Đó là biểu hiện của sự khủng hoảng về lòng tin. Thế hệ trẻ nhìn những người xung quanh, thấy có nhiều cái không như họ nghĩ, không như sách vở, nhà trường vẫn dạy, họ không hiểu được sự thật ở đâu, chân lý ở đâu.

Trách nhiệm của các thế hệ đi trước là phải cố gắng nuôi giữ lòng tin, để xã hội này, dân tộc này, đất nước này phải trường tồn. Dân tộc Việt không thể mất đi được. Tôi có một niềm tin mãnh liệt như thế, nó chỉ chòng chành thế này, chỉ sóng gió thế này thôi... rồi sẽ trở lại.

Vì sao ông tin tưởng như thế?

Chính là dựa vào lịch sử. Chúng ta đã từng mất nước suốt 1000 năm Bắc thuộc mà Ngô Quyền đã giành lại được độc lập. Hay khi nhà Hồ để mất nước, thì chỉ 20 năm sau thôi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi đã thành công.

Không chỉ riêng Việt Nam, mà trên thế giới cũng vậy. Như dân tộc Palestin đấu tranh vô cùng quyết liệt để tồn tại. Tinh thần yêu nước ghê gớm lắm. Không có lòng yêu nước không thể làm được những điều vĩ đại như vậy. Vì vậy vấn đề quan trọng là làm thế nào giáo dục cho lớp trẻ lòng yêu nước đó.

Làm thế nào giáo dục được lòng yêu nước khi mà học sinh không thích học sử?

Thế hệ chúng tôi giờ sử là một giờ học tuyệt vời, nghe thầy giảng thấy nhập tâm ghê gớm. Còn bây giờ tại sao học sinh không thích học sử? Vì sử không lôi cuốn họ. Phải chăng vì chúng ta cứ lấy quan điểm của ngày hôm nay để nhìn lại lịch sử, đánh giá lại lịch sử?

Lịch sử tự nó sẽ hấp dẫn nếu là tiếng nói công minh của chính nó. Qua những trang sử hào hùng của dân tộc, thế hệ trẻ sẽ hiểu cha ông, hiểu đất nước mình, và từ đó lòng yêu nước, lòng tự hào sẽ tự nhiên phát triển.

Đất nước Việt Nam có đến ngày hôm nay là do hàng bao thế hệ ông cha ta, tổ tiên ta đã đổ xương máu để gìn giữ. Lòng tự hào được xây dựng từ hàng ngàn năm nay chứ đâu phải chỉ từ ngày hôm nay.

Tuy nhiên, nói như thế là về lý thuyết thôi. Về thực tiễn có nhiều vấn đề quá: vấn đề xã hội, kinh tế, lý tưởng… của chúng ta. Phải làm thế nào để người dân tin tưởng.

Nhưng cụ thể là phải làm gì, thưa ông?

Tôi nghĩ phải có một chuyển động về tư duy thì mới làm chuyển biến được xã hội, được những vấn đề của chúng ta. Thoái hoá đạo đức, tham nhũng từ việc nhỏ đến việc lớn...làm mất lòng tin của dân. Lắng nghe tiếng nói của dân thấy muôn vàn tiếng kêu than về sự nhũng nhiễu của các cơ quan công quyền. Những việc như thế làm xói mòn lòng tin ghê lắm.

Nói là quét sạch tham nhũng thì khó nhưng toàn xã hội phải đồng tâm nỗ lực ngăn chặn tham nhũng lại. Mỗi người góp một tay. Tôi nghĩ phải đưa ra định nghĩa: Người yêu nước phải là người không tham nhũng hoặc phải là người đấu tranh chống tham nhũng. 

Người Việt Nam ai cũng yêu nước

Vậy còn chuyện người ta tìm mọi cách ra nước ngoài học rồi ở lại luôn... Như thế có yêu nước không?

Chuyện này cũng có lý do của nó. Tại sao người nào muốn thành tài lại phải ra nước ngoài? Tại sao người Việt mình thông minh là thế mà nhân tài vẫn lác đác như “lá mùa thu”? Nhiều người phải ra đi chỉ vì ở môi trường Việt Nam khó có thể phát triển được.

Tôi đã đi hầu khắp thế giới, gặp nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, gặp nhiều nhà trí thức lớn. Những năm đầu sau khi giải phóng, gặp Việt kiều lúc đầu tưởng họ ghét mình, nhưng không phải, trừ một số ít người cực đoan, còn đa số họ nhớ quê hương lắm. Có người nhớ quê đến mức họ nuôi trong nhà một con ếch để đến chiều nó kêu cho đỡ nhớ.

Lòng yêu nước là của tất cả mọi người, không phải chỉ người cộng sản mới yêu nước nhất đâu. Mỗi người dân Việt Nam mình ai cũng yêu nước.

Tức là dù có ý thức được hay không thì trong máu chúng ta đã có lòng yêu nước rồi?

Đúng vậy. Nó là truyền thống, là văn hoá vì chính cái kết tinh cao nhất trong văn hoá là lòng yêu nước. Vì là văn hoá nên nó thể hiện như lòng tự trọng. Khi người nước ngoài nói Vietnamese style (cái lối Việt Nam) với ý mỉa mai, xem thường thì mình thấy khó chịu lắm. Làm thế nào để mỗi người phải có lòng tự trọng, phải biết xấu hổ mà vươn lên.

Người Nhật là một ví dụ điển hình về sự vươn lên vì lòng yêu nước. Thất bại của chiến tranh thế giới II làm nước Nhật cơ cực và đau lòng lắm, họ phải cắn răng chịu đựng mà vượt qua. Chỉ từ một lòng yêu nước, lòng tự trọng dân tộc mà nước Nhật vươn lên được như ngày hôm nay. Nước Nhật đã làm được như vậy, chẳng nhẽ Việt Nam mình lại không làm được?

Xin cảm ơn và chúc ông năm mới sức khoẻ, hạnh phúc!

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top