Y học Việt lần đầu ra tay triệt căn u cột sống

Lần đầu tiên tại Việt Nam, thay vì chỉ phẫu thuật giảm nhẹ để phục hồi và bảo tồn chức năng thần kinh, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành lấy bỏ toàn bộ đốt sống, bao gồm trọn vẹn thân đốt sống chứa u và cung sau để điều trị triệt căn cho người bệnh.

“Liệt” sau 1 tháng điều trị đau lưng

Anh N.M.T. (37 tuổi, Bắc Ninh) trước khi nhập viện 1 tháng bị đau lưng, tê bì hai chân, sau đó yếu dần, không đi lại được bình thường kèm theo rối loạn tiểu tiện.

Bệnh nhân đi khám ở nhiều nơi, được chẩn đoán u cột sống và được chỉ định phẫu thuật để giải chèn ép thần kinh, giúp cải thiện triệu chứng. Khi đến tham vấn tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tổn thương đã ăn toàn bộ thân đốt sống L1 xâm lấn phần mềm cạnh cột sống.

lay-than-dot-song.jpg
Y học Việt lần đầu ra tay triệt căn u cột sống

ThS.BSNT Trần Trung Kiên, Khoa Phẫu thuật thần kinh - cột sống, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, u thân đốt sống là các khối u phát triển bên trong cấu trúc xương của cột sống. Khi những khối u này phát triển, ngoài việc gây đau, chúng có thể chèn ép ống sống và gây ra những tổn thương nhất định về thần kinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, kể cả khi những khối u này không phải là ung thư.

Bệnh không chỉ gây đau tại vị trí cột sống mà còn có thể chèn ép thần kinh gây yếu liệt, mất xúc giác ở tay, chân, bàn tay và bàn chân. Người bệnh không đi đứng được, bị mất chức năng ruột và bàng quang... tiên lượng bệnh rất xấu.

Tùy theo bản chất lành hay ác tính, điều trị u thân đốt sống có thể theo dõi, hóa trị và xạ trị với những khối u không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không có tiến triển theo thời gian. Phẫu thuật được chỉ định khi u có tính chất tiến triển, chèn ép thần kinh hoặc cần điều trị triệt căn. Đa số, phẫu thuật chủ yếu là giải ép thần kinh làm giảm nhẹ để phục hồi và bảo tồn chức năng thần kinh cho người bệnh, vững cột sống và giảm đau.

Vì vậy, đối với những bệnh nhân có tiên lượng tiến triển tốt, phẫu thuật triệt căn là con đường duy nhất. Tuy nhiên, phẫu thuật đơn thuần chỉ giải quyết triệu chứng (đau đớn, yếu liệt...) để người bệnh cảm thấy dễ chịu tạm thời. Trong khi bệnh nhân này mới 37 tuổi. Vì vậy, các bác sĩ đã quyết định tạo bước đột phá, lấy bỏ cả thân đốt sống chứa u, điều trị triệt căn cho bệnh nhân.

lay-than-dot-song-2.jpg
Thân đốt sống chứa u được lấy ra

Ca mổ kéo dài 7 giờ

ThS.BSNT Trần Trung Kiên - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, phẫu thuật cột sống đã là một phẫu thuật cực kỳ khó khăn, chỉ sai 1mm đã có thể làm tổn thương mạch và dây thần kinh để lại những biến chứng nặng nề cho người bệnh. Trong khi đây là cuộc phẫu thuật lấy bỏ hẳn 1 đốt sống sẽ khó khăn gấp nhiều lần.

Đặc biệt, ngoài việc thân đốt L1 bao xung quanh cấu trúc tuỷ sống của bệnh nhân thì phía trước còn có động mạch chủ bụng nằm ngay sát, 2 bên có thận và động mạch thận. Lúc phẫu tích chỉ cần sơ sẩy một chút có thể gây đứt động mạch thận hoặc tổn thương động mạch chủ bụng thì bệnh nhân có thể chết ngay trên bàn mổ.

lay-than-dot-song-1.jpg
Thân đốt sống lấy ra được tạo hình lại

ThS.BSNT Trần Trung Kiên cho hay, việc phẫu thuật triệt căn đòi hỏi một ekip với sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. Trước mổ, bệnh nhân được nút tắc mạch. 2 phương án mổ cũng đã được phân tích kỹ càng. Phương pháp phẫu thuật 2 đường: Đặt bệnh nằm sấp cố định giải ép lối sau, sau đó lại chuyển tư thế sang lối bên để cắt thân (phương án này khá phức tạp cho cả phẫu thuật viên, gây mê lẫn người bệnh, người bệnh chịu 2 đường mổ nên phục hồi lâu hơn).

Hoặc mổ 1 lần cắt toàn bộ lối sau. Phương án này về độ triệt căn là lựa chọn số 1. Tuy nhiên, thao tác không hề đơn giản với các cấu trúc bao quanh tủy sống, cần nhiều thời gian để cắt nguyên khối và lấy ra một cách triệt để...

Ngày thứ 3 bệnh nhân đã ngồi dậy và tập đi lại 

May mắn, sau 7 giờ phẫu thuật căng thẳng, kíp phẫu thuật đã lấy bỏ toàn bộ cấu trúc cột sống bệnh: Cung sau bao gồm mỏm ngang, diện khớp trên dưới và mỏm gai; kèm toàn bộ thân đốt sống L1. Khối u kèm thân đốt đã được lấy triệt để toàn bộ.

Sau mổ bệnh nhân có cải thiện rõ rệt về cơ lực cũng như khả năng kiểm soát chức năng bàng quang. Chỉ đến ngày thứ 3, bệnh nhân đã ngồi được dậy và đi lại.

Các nghiên cứu nước ngoài ghi nhận thời gian cho những ca mổ thế này dao động từ 11 - 14 tiếng, lượng máu mất trung bình 1.400ml. Trong ca mổ này, thời gian phẫu thuật còn 7 tiếng, lượng máu mất chỉ hơn 600ml" - ThS.BSNT Trần Trung Kiên

Theo Đời sống
Điều trị polyp rốn

Điều trị polyp rốn

Ở trẻ sơ sinh, thông thường rốn sẽ tự rụng sau 7 - 10 ngày và sau khoảng 2 tuần thì rốn khô và liền hẳn. Một số trẻ gặp tình trạng rốn rụng chưa hết, còn lại một phần niêm mạc rốn gây tiết dịch thường xuyên gọi là polyp rốn, hay còn gọi là u hạt rốn.
back to top