Xuyên tâm liên điều trị bệnh phổi có điều trị được Covid-19?

(khoahocdoisong.vn) - Trong thành phần một số thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có vị thuốc xuyên tâm liên. KH&ĐS xin giới thiệu bài viết của TTND.BS Cao cấp Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch T.Ư hội Đông y Việt Nam về cây thuốc này.

Xuyên tâm liên điều trị lao kê

Năm 1971, Đoàn lưu học sinh Việt Nam chúng tôi xuống tỉnh Quảng Đông thực tập châm cứu gây tê để phẫu thuật và tìm hái cây thuốc ở một số địa phương. Chúng tôi thấy địa phương nào ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cũng trồng và thu hái cây xuyên tâm liên để làm thuốc. Sau đó lại được một bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân tỉnh Quảng Đông đến nói chuyện về cây xuyên tâm liên. Ông kể, năm 1966, có một bệnh nhân của huyện Tân Hội, tỉnh Quảng Đông sốt cao, ho, đau tức ngực khó thở. Ông cho vào chụp và phát hiện bệnh nhân mắc chứng lao phổi, thuộc dạng lao kê. Chúng tôi được xem phim thấy hai lá phổi của bệnh nhân có rất nhiều chấm lốm đốm. Điều trị 6 tháng liên tục, dùng tất cả các loại kháng sinh điều trị phổi nhưng không có kết quả. Bệnh ngày càng nặng thêm. Gia đình xin đưa bệnh nhân vể địa phương để lo việc hậu sự. Về nhà có bà hàng xóm mang sang cho một bó lá cây to bảo sắc uống. Bà nói: Tôi dùng lá này điều trị các bệnh ở phổi, cho cả người lớn và trẻ em, kể cả lao phổi đều lành. Sau khi bệnh nhân uống 3 tháng các triệu chứng hết, người khỏe mạnh, không thấy khó thở và đau tức ngực nữa. Bệnh nhân lao động bình thường. Năm 1968, con trai của bệnh nhân ốm đưa lên Bệnh viện Nhân dân tỉnh Quảng Đông khám bệnh. Gặp bác sĩ lần trước điều trị mới biết đây là bệnh nhân bị bệnh phổi năm trướ. Vị bác sĩ nhớ ra ông, đưa ông vào chụp X-quang phổi và quả nhiên bệnh lao kê năm trước đã lành hẳn. Mấy hôm sau vị bác sĩ tìm đến địa phương mang cây thuốc về bệnh viện, đưa vào phòng thí nghiệm làm kháng sinh đồ hầu hết các vi khuẩn gây ra bệnh ở phổi, ở họng kể cả vị trùng lao và các vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa đều hết. Sau đó, Bệnh viện Nhân Dân tỉnh Quảng Đông còn điều trị một số chứng bệnh khác cũng có kết quả tốt.

Thuốc có điều trị được Covid-19?

Tháng 12/1969, NXB Vệ Sinh Nhân dân Bắc Kinh - Trung Quốc xuất bản cuốn sách “Sổ tay Thường dùng Trung thảo dược” của tỉnh Quảng Đông. Vị thuốc xuyên tâm liên được ghi tại trang 206 - 207 như sau:

Tên Thuốc: Lãm hạch liên; Tên khác: Khổ đản thảo, xuyên tâm liên, nhất kiến hỷ.

Tên la tinh: Andrographis  paniculata (Bum.f.) Nees.

Cây mọc hoang khắp các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Mỗi năm mọc một lần cao khoảng 50 - 80cm có nhiều cành, lá đối xứng màu xanh hơi nhọn, hoa màu trắng.

Bộ phận dùng làm thuốc: Toàn cây trên mặt đất hoặc dùng lá. Mùa hạ dùng lá, mùa thu dùng toàn cây phần trên mặt đất. Sau khi thu hái rửa sạch, thái khúc phơi khô dùng làm thuốc.

Cây xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng chỉ đau. Điều trị các bệnh: Kiết lỵ cấp tính, viêm dạ dày, đại tràng; Cảm mạo phát sốt, viêm amidan, viêm hầu họng, viêm phổi; Bệnh đầu đanh do nhiệt độc, các bệnh ngoài da viêm nhiễm; Bệnh lao phổi; Rắn độc cắn tổn thương. Liều lượng dùng ngày 12 - 20g lá khô sắc uống, ngày uống 3 lần, trước khi ăn, trẻ em dùng 1/2 liều người lớn. Nếu dùng thuốc đã tán bột mỗi lần dùng 2 - 4g, ngày uống 3 lần hòa vào nước sôi uống. Dùng ngoài trộn bột với rượu vừa đủ đắp lên vết thương.

Thập niên 80 của thế kỷ trước, một số xí nghiệp dược của Việt Nam đã dùng lá xuyên tâm liên làm viên dập thuốc điều trị bệnh cảm mạo, viêm đại tràng, viêm họng... nhưng mấy lâu nay không thấy. Nếu dịp này có thể dùng xuyên tâm liên sắc cho bệnh nhân Covid- 19 uống theo phương pháp Đông Tây y kết hợp chúng tôi tin chắc có thể có kết quả khả quan hơn.

TTND.BS Cao cấp Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch T.Ư Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top