"Xuống tiền" mua lan giá hàng tỷ đồng

(khoahocdoisong.vn) - Cho rằng những giò lan được giao dịch với giá gần 7 tỷ đồng là chuyện bình thường, chị Nguyễn Thị Huệ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn hoa lan Việt Nam (Trung ương Hội Khoa học Phát triển nông thôn) nhận định, nếu chị gặp những giò lan như thế, chị cũng sẵn sàng “xuống tiền”.

6,8 tỷ đồng sẽ nhân lên được nhiều tỷ

Ngày 25/9, câu lạc bộ Hoa Lan đột biến Sông Hàn (Đà Nẵng) giao dịch thành công, sở hữu giỏ hoa lan giã hạc 5 cánh trắng (còn gọi là lan phi điệp) với giá 6,8 tỷ đồng. Hai năm trước, giỏ hoa lan này được anh Võ Văn Tuyên (ngụ ở La Gi, tỉnh Ninh Thuận) sưu tầm từ Đăk Glei (Kon Tum). Tại thời điểm giao dịch, gốc lan đột biến được chiết ra thành 8 cành và chưa nở hoa. Sau giao dịch, CLB Hoa Lan đột biến sông Hàn sẽ tiến hành lễ đặt tên mới cho bông lan Giả hạc 5 cánh trắng vừa mua được. Anh Võ Văn Tuyên, chủ nhân cũ của bông lan cho biết, anh mua cây lan này cách nay 2 năm rưỡi từ Đăk Glei, Kon Tum. Khi mới mua về lan nở được 1 lần; cách đây 2 tháng lan tiếp tục nở.

Người không thạo về hoa lan sẽ không hiểu vì sao người ta lại bỏ ra một số tiền lớn như vậy để sở hữu một giò lan, dù nó có lạ, có đẹp đến đâu. Vợ chồng chị Huệ, anh Tấn có thâm niên 20 năm nghiên cứu và kinh doanh hoa lan cho biết, những giò lan đột biến được bán giá cao hơn nhiều so với lan thông thường vì lý do cái đẹp của nó không thể làm ra được bằng bàn tay con người, dù có khéo léo đến nhường nào, công nghệ có cao đến đâu.

“Thông thường, các loài côn trùng như ong, bướm thụ phấn cho hoa lan. Hoa màu gì thì sẽ được thụ phấn màu đó. Nhưng cá biệt, có những con côn trùng cùng lúc đậu vào nhiều loại hoa, thì đến khi chúng thụ phấn cho một bông hoa nào đó, sẽ tạo ra màu sắc đặc biệt cho cây lan đó. Đó chính là những cây lan đột biến. Điều đặc biệt là dù có cho bạn một bảng màu, với đầy đủ các màu khác nhau trên đời này, cũng không thể nào tạo ra được màu y hệt, giống như màu lan đột biến được tạo ra”, chị Nguyễn Thị Huệ cho biết.

Điểm khác biệt nữa của cây lan đột biến, là chúng di truyền tính trạng đột biến đó, chứ không như nhiều loài cây khác không di truyền đột biến. Do đó, từ một giò lan, người ta có thể nhân lên thành nhiều giò lan khác nhau. Mỗi key (đốt) lan sẽ cho ra một cây lan mới. Từ đó, có thể nhân lên thành nhiều cây lan đột biến khác nhau, tạo ra nhiều cây tiền tỉ. Đó chính là đặc điểm hiếm thấy làm nên giá trị tiền tỷ của những giò lan này.

Tiếp theo, để người ngoài giới chơi lan hiểu rằng chúng có giá trị, là việc không thể tạo ra được cây lan đột biến giống hệt như thế ở ngoài tự nhiên. Chị Huệ cho biết, chị hoàn toàn có thể tự tay tạo ra được các loại lan đột biến trong phòng thí nghiệm, bằng cách nuôi cấy mô. Thành phẩm là cây lan nếu nhìn bề ngoài sẽ giống hệt, không khác điểm nào cây lan đột biến tự nhiên. Nhưng nếu là người trong nghề thì chỉ cần liếc qua là biết ngay. Do đó, cùng là lan đột biến, nhưng đột biến tự nhiên thì có giá trị rất cao. Không thể làm giả.

Yêu lan, sẵn sàng “xuống tiền”

Cho rằng giò lan được giao dịch với giá 6,8 tỷ đồng là bình thường, chị Huệ bật mí, sắp tới đây Trung tâm của chị sẽ công bố những giò lan còn đắt hơn như thế nhiều. Thực tế, những thương vụ mua bán lan tiền tỷ ở trung tâm của chị không hiếm. Chị đã từng bán những giò lan phi điệp giá 1,6 tỷ đồng hay nhiều giò lan của chị hiện có giá vài trăm triệu đồng là bình thường. “Nhiều người cho rằng chả tội gì phải bỏ ra chừng đó tiền để mua lan, nhưng nó khác nhau ở tình yêu, đam mê. Nếu bạn yêu thích một món đồ nào đó, bạn không sở hữu được nó, sẽ cảm thấy bứt rứt, khó chịu, thì chơi lan cũng vậy. Tôi từng gặp những giò lan khiến mình mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên, phải tìm cách mua bằng được. Nếu người bán không đồng ý, thì tôi xin mua một nhánh cũng được. Cùng lắm thì xin mua một key cũng được”, chị Huệ cho biết.

Anh Nguyễn Huy Tấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn hoa lan Việt Nam, là chồng chị Huệ, cho biết, hiện vườn ươm tạo hoa lan của anh chị đang có khoảng 3.000 loài lan khác nhau trên khắp đất nước. Hoa lan được thu gom, tìm mua ở khắp nơi, cả trong và ngoài nước. Ở Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... Tuy nhiên, phong phú nhất, đẹp nhất, nhiều nhất vẫn là lan trong nước. Việt Nam có nhiều rừng, mỗi khu rừng lại có một loài lan đặc trưng với hàng nghìn loài.

Tôi thắc mắc, nhìn những chậu lan giống hệt nhau thế kia, làm sao chị biết đâu là lan rừng, lan nuôi, hay lan ghép? Chị cười bảo: “Mình quá hiểu hoa lan rồi, làm sao nhầm được. Hoa lan cũng như con người. Cùng là phụ nữ, nhưng mỗi người có đặc điểm nhận dạng riêng, không ai giống ai. Có những đặc điểm có thể diễn đạt thành lời, nhưng có những thứ không diễn đạt được, chỉ có thể bằng cảm nhận để phân biệt. Ví dụ, nhìn hai chậu hoa lan giống hệt nhau từ hoa đến lá, nhưng quan sát trên thân, lan rừng phải có những chấm li ti chạy dọc key, tại các đốt có các vân dọc, cánh hoa phải căng không tì vết, không có bất cứ một gợn nào. Ngược lại, hoa nuôi cấy thì trông bóng mượt hơn, mọng hơn”, chị Huệ cho biết thêm.

Chị Huệ cho hay, những người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn sở hữu hoa lan đều là những người yêu lan. Mà đã yêu thì đương nhiên sẽ hiểu. Khi đã hiểu thì sẵn sàng “xuống tiền”. Khách hàng của chị không hiếm người bỏ ra vài trăm triệu nhẹ bẫng, để chỉ sở hữu một giò lan “nhìn rất bình thường”. Là người nghiên cứu lan, nhưng cũng kinh doanh, cửa hàng của chị ở chợ hoa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) lúc nào cũng tấp nập khách mua. Họ thích lan của chị bởi lan được bảo hành, mua về không nở được trả lại. Đúng Tết mà hoa không trổ bông, cứ đến đấy bắt đền, chị sẵn sàng biếu không chậu lan khác đẹp hơn.

Chăm lan dễ lắm!

Nhiều người trồng lan bằng xơ dừa, xỉ than, vỏ trấu... là sai lầm. Theo chị Huệ, chất trồng tốt nhất cho lan là vỏ thông. Những chất trồng khác dễ xuất hiện cuốn chiếu, côn trùng ăn rễ cây nhưng vỏ thông có thành phần nhựa, côn trùng không làm tổ được. Chăm sóc lan không khó, quan trọng là có đam mê. Chị Huệ cho biết, có lẽ lan là loài cây dễ chăm sóc nhất. “Hôm qua tôi uốn cây hoa hồng, bị gai đâm vào tay, mãi không lấy ra được. Tôi nghĩ, có lẽ chỉ hoa lan mới là cây hiền lành, dễ chăm, dễ ngắm nhìn, thưởng thức. Cây ra hoa, đem vào phòng ngắm, hết hoa lại đem ra chăm cho đến khi có hoa”, chị Huệ chia sẻ thêm.

Chăm sóc hoa lan không khó, nhưng cầu kỳ. Chị Huệ cho biết, năm ngoái, vợ chồng chị đầu tư hẳn một dây chuyền chiết xuất chất trồng trị giá 1,3 tỷ đồng, để tưới cho hoa lan cũng như những loại cây cảnh khác có tên Bồ đề 688. Chất này được làm từ đậu tương và lá xoan rừng. Đậu tương giúp thân cây phát triển mập mạp, lá xoan có tác dụng phòng và diệt sâu hại. Chị dùng chất này phun lên lá cây là có thể thay thế hoàn toàn các loại phân bón khác cho cây, mà lại yên tâm về mức độ an toàn. Ngoài ra, sử dụng thêm phân trùn quế (giun) để bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Tới đây, chị Huệ cho biết sẽ đầu tư hệ thống nhà kính, máy móc, mời chuyên gia nước ngoài về để nghiên cứu, sản xuất lan đột biến để người chơi lan được tiếp cận nhiều hơn với những giò lan đẹp.

“Vườn lan của tôi có mặt tất cả các loài lan ở Việt Nam, từ giống quý hiếm nhất đến giống phổ biến. Cây nào cũng có những người chơi yêu thích, tùy điều kiện của mình mà mua chứ ít khi có chuyện “thổi giá” để tạo danh tiếng”, chị Huệ cho biết.

Theo Đời sống
back to top