Xúc động ca hiến giác mạc của bé gái 7 tuổi

Chiều 22-2, một bé gái 7 tuổi 3 tháng mắc bệnh ung thư đã tặng lại giác mạc sau khi qua đời. Đây là một ca hiến tặng mô tạng đặc biệt gây xúc động.

Anh Nguyễn Hữu Hoàng, giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt trung ương cho hay đây là lần anh xúc động nhất trong hơn 10 năm nhận giác mạc hiến tặng.

Mẹ bé kể bé gái 7 tuổi 3 tháng, được phát hiện mắc ung thư thần kinh thể sao hồi tháng 9-2017. Gia đình và bệnh viện đã rất nỗ lực điều trị cho bé nhưng đến ngày 22-2 bé qua đời.

“Trước khi bé qua đời, cả gia đình và bé đều có nguyện vọng hiến tặng mô tạng và gia đình đã gọi đến Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia lúc trưa 22-2”- anh Hoàng cho biết.

Tin từ Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia cho hay do quy định hiện hành chỉ nhận tạng hiến từ người 18 tuổi trở lên nên trường hợp em bé không may qua đời thì kể cả khi các mô tạng của bé còn tốt, trung tâm chỉ có thể nhận được giác mạc của cháu để tặng lại người nào đó bị bệnh lý giác mạc đang chờ.

Chiều 22-2, sau khi bé gái qua đời, anh Hoàng và các kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt đã tới Bệnh viện K để nhận 2 giác mạc được bé gái hiến tặng.

“Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé” – mẹ cháu bé đã nói với con gái và đặt nụ hôn lên trán cháu.

“Lúc ấy tôi thấy sống mũi cay, bé gái nằm ngủ như một thiên thần và tôi đã bắt đầu công việc một cách nhẹ nhàng và cẩn thận nhất như sợ phá giấc ngủ ngon lành của cháu.

Khi kết thúc mẹ cháu đã ngắm cháu và nói “Mẹ tự hào về con”. Tôi chưa bao giờ cảm xúc đến thế”- anh Hoàng kể.

Theo anh Hoàng, 2 giác mạc của bé gái hiện đã được đưa về lưu trữ tại Ngân hàng Mắt thuộc Bệnh viện Mắt trung ương chờ tặng lại cho người phù hợp.

Vì đây là giác mạc của trẻ em nên Ngân hàng sẽ ưu tiên tặng lại cho người trẻ đang bị mù do những bệnh lý giác mạc như sẹo giác mạc, bỏng giác mạc, loạn dưỡng giác mạc và cần có giác mạc thay thế để có thể nhìn được trở lại.

Theo anh Hoàng, gia đình bé gái sống ở Hà Nội và mẹ bé là một cán bộ ngành y tế.

PV (Theo Tuổi trẻ)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top