“Xưa rồi chuyện hành dân...”

(khoahocdoisong.vn) - Tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, phòng chống tham nhũng luôn là vấn đề nóng. Đặc biệt, năm vừa qua nhiều vụ việc tham nhũng đã được phát giác chính từ khiếu nại, tố cáo của công dân. Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương đã có buổi trao đổi với KH&ĐS về nội dung này.
Ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân TW tiếp dân Thủ Thiêm.

Ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân TW tiếp dân Thủ Thiêm.

 Tiếp dân là phải phục vụ dân

- Ông đánh giá thế nào về vụ Thủ Thiêm, nóng nhất thời gian qua?

Quá trình giải quyết vụ việc tại Thủ Thiêm được Chủ tịch UBND TPHCM và Trưởng ban Tiếp dân Trung ương đối thoại nhiều lần, từ trước đến nay ít có việc đó.

Lúc đầu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao cho TPHCM chủ trì, giải quyết. Tuy nhiên, người dân không đồng ý kết quả thanh tra do Thành phố kết luận và cho rằng kết quả đó không khách quan. Vì vậy, Phó Thủ tướng tiếp tục giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì cùng các cơ quan chức năng cùng kiểm tra và đối thoại với người dân đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm.

Kết quả bước đầu đã giải quyết được một phần, tình trạng bức xúc đã giảm nhưng vẫn còn một số hộ dân chưa đồng ý. Chúng tôi tiếp tục vận động người dân, phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

- Là người gắn bó trực tiếp tiếp công dân nhiều năm, xin ông chia sẻ kinh nghiệm trong công tác này?

Đa số người dân đến Trụ sở Tiếp dân Trung ương trong tình trạng bức xúc. Họ coi cán bộ tiếp dân như những người gây ra hệ quả cho họ. Họ coi đây là nơi trút bức xúc của mình, nhưng bản chất không phải vậy, cho nên cán bộ tiếp dân phải hết sức bình tĩnh.

Tôi tiếp dân rất nhiều năm, rút kinh nghiệm và cũng chỉ đạo cán bộ khi tiếp dân, dù hôm qua họ có lời lẽ không đúng với mình, với gia đình mình nhưng khi tiếp thì phải bỏ cái đó ra khỏi đầu, phải tôn trọng, lắng nghe họ. Còn nếu như nghĩ đến việc hôm qua thì tiếp công dân sẽ không có kết quả.

Nhiều công dân bức xúc quá không cần biết đầu đuôi, không trình bày đầy đủ nội dung. Đây là cái khó nhất với cán bộ tiếp dân, tức là không biết người dân họ muốn cái gì, đòi quyền lợi gì. Lúc này người cán bộ phải hỏi lại, hướng dẫn người dân để biết được vụ việc của họ ra sao, cấp nào đã giải quyết, và họ đòi quyền lợi gì...

Làm cán bộ khi tiếp dân thấy việc người dân bị oan ức, thiệt thòi thì phải có bản lĩnh, dám đề xuất với địa phương để xem xét giải quyết lại cho đúng. Hay khi thấy chính quyền giải quyết đúng rồi thì cũng phải hướng dẫn vận động người dân, thậm chí có thông báo để bà con chấp hành.

Với tôi, tiếp dân phải rất sòng phẳng với bà con, phải đặt mình vào vị trí là người phục vụ, chính quyền phục vụ. Bây giờ xưa rồi những việc cậy chức, cậy quyền, hống hách và người dân giờ họ có trình độ, còn mạng xã hội nữa. Tiếp dân phải thật chuẩn chỉ, phải đúng. Chính tôi cũng đã phải rút kinh nghiệm, hình ảnh của mình là hình ảnh của cán bộ công chức, phục vụ dân.

Ông Nguyễn Hồng Điệp nói "tiếp dân là phải phục vụ dân".

Ông Nguyễn Hồng Điệp nói "tiếp dân là phải phục vụ dân".

“Chọn việc khó cho lãnh đạo”

- Theo đánh giá, năm vừa qua các vụ khiếu kiện chủ yếu liên quan đến mảng đất đai?

Đúng là năm qua có sự gia tăng các vụ việc liên quan đến môi trường, đất đai... Nhìn chung, số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo đặc biệt là các vụ việc bức xúc mới phát sinh đã giảm, chủ yếu là những vụ việc khó kéo dài từ những năm trước. Từ khi có chỉ đạo của Tổng Bí thư - Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ Công tác do Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm Tổ trưởng chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài bước đầu đã có chuyển biến tích cực.

Các địa phương khác đã xây dựng kế hoạch rà soát, đối thoại, mời Trung ương về tham gia tư vấn, giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Tính bức xúc của các vụ việc được giảm đi rõ rệt.

Bên cạnh đó, sự tham gia của các cấp ủy đảng, người đứng đầu vào tiếp dân, giải quyết tố cáo cũng được đẩy mạnh. Ví dụ như tỉnh Kon Tum, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp mời Ban Tiếp dân Trung ương đối thoại với dân và giải quyết vụ việc.  Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương vào cuộc chậm trễ.

- Tiếp dân định kỳ là quy định bắt buộc đối với lãnh đạo các cấp. Đã là bắt buộc thì liệu có mang tính hình thức không, thưa ông?

Phải nói rằng tình trạng tiếp công dân qua loa, hình thức đâu đó vẫn còn. Tuy nhiên, từ khi Trung ương ban hành Quyết định 11-QĐ/TW về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, tôi thấy nhiều bí thư tỉnh ủy đã tiếp dân như ở Ninh Bình, Lạng Sơn, Hà Nội... Ví dụ như Bí thư Hải Dương đối thoại hai vụ việc liên quan sự cố môi trường và đã quyết định dừng dự án, được người dân đồng tình.

Trước đây, một số nơi có tư tưởng chọn việc cho thủ trưởng. Nhưng năm nay với Tổng Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra chúng tôi chọn việc khó cho lãnh đạo. Lựa chọn những việc khó đông người, phức tạp, người dân bức xúc, kéo dài chưa giải quyết được. Kết quả giải quyết nhiều vụ việc được Tổng Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra tiếp về cơ bản là tính bức xúc giảm nhiều. Tuy nhiên thẩm quyền giải quyết vẫn là của địa phương nhưng nếu các địa phương không xử lý dứt điểm các vụ việc này thì chúng tôi sẽ đề xuất thanh tra, đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2020. Đây là chỉ đạo rõ ràng không né tránh.

Xin cảm ơn ông!                 

Theo Đời sống
back to top