Xử trí vết thương khớp đến muộn

Những bệnh nhân bị thương tổn ở khớp nếu đến muộn thường có tiên lượng nặng, nhất là đối với các khớp lớn như khớp vai, khớp gối và khớp háng. Khi tình trạng viêm xương, viêm khớp đã lan rộng thì nguy cơ hoại tử đầu xương là rất lớn và ảnh hưởng đến tình trạng toàn thân. Chính vì vậy, xử trí vết thương khớp nhiễm khuẩn phải triệt để.

Vết thương khớp có thể nguy hiểm.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Mạnh (Lào Cai) nhập viện Bệnh viện 103 trong tình trạng khớp gối co cứng, không cử động được. Trong khi lao động, bệnh nhân bị một vật nhọn sắc đâm vào. Nghĩ rút được vật đó ra, chỉ chảy máu và tự băng bó, nên không thăm khám bệnh viện tuyến trên. Khi không chịu đựng được đau đớn mới nhập viện.

Sau khi được các bác sĩ đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn ổ khớp thì phát hiện có nhhiều tổ chức hoại tử. Bệnh nhân được chọc dịch khớp và làm kháng sinh đồ.

PGS.TS Trần Đình Chiến, Trưởng khoa Chấn Thương Chỉnh hình, Bệnh viện 103 cho biết, những trường hợp tổn thương như thế này phải tìm hết mọi ngóc ngách để cắt lọc sạch tổ chức viêm.

Khi mặt sụn đã vàng đậm và mất độ bóng, thậm chí đã bong vỡ để lộ lớp xương dưới sụn thì mạnh dạn lấy bỏ thậm chí phải cắt đoạn khớp rộng, cắt bằng đầu xương cho tới đoạn lành chảy máu. Phải tiến hành cấy khuẩn và làm kháng sinh đồ đối với dịch mủ khớp.

Sau khi đã cắt đoạn khớp, thì sẽ xuyên đinh để kéo liên tục và nhỏ giọt kháng sinh liên tục trong 5-7 ngày. Đặt dẫn lưu và tưới rửa liên tục bằng thuốc tím loãng, dung dịch betadin hoặc nước muối sinh lý. Bệnh nhân cần được nằm bất động, kê cao chi và bảo đảm cho dịch tưới rửa không bị tắc, tiến hành liên tục.

PGS Trần Đình Chiến cho rằng, vết thương khớp không đe dọa nhiều đến tính mạng bệnh nhân nhưng xử trí sớm sẽ rất tốt cho tiên lượng về chức phận của khớp sau này, đồng thời ngăn chặn tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Vì vậy, xử trí tổn thương trong vòng 24 giờ đầu là tốt nhất để tránh những biến chứng đáng tiếc cho bệnh nhân.

Phạm Hằng

Theo Đời sống
back to top