Xử trí ngộ độc phát hiện muộn

Trường hợp ngộ độc xảy ra sau khi ăn phải thức ăn gây độc sau 6h, lúc này chất độc đã bị hấp thu một phần vào cơ thể thì cần xử trí bằng cách dùng các chất trung hòa.

Hỏi: Xin hỏi, trong những trường hợp phát hiện triệu chứng ngộ độc muộn sau 4 – 6h thì phải xử trí thế nào?

Hoàng Minh Thảo (Thái Bình)

Ảnh minh họa.

GS Đào Văn Long, Phòng khám Đa khoa Hoàng Long, Hà Nội: Với trường hợp ngộ độc xảy ra sau khi ăn phải thức ăn gây độc sau 6h, lúc này chất độc đã bị hấp thu một phần vào cơ thể, thì cần xử trí bằng cách dùng các chất trung hòa.

Nếu người bị ngộ độc do những chất acid thì có thể dùng những chất kiềm chủ yếu như nước xà phòng 1%, nước magie oxyt 4%, cứ cách 5 phút cho người bệnh uống 15ml. Tuy nhiên, tuyệt đối không được dùng thuốc muối để tránh hình thành CO2 làm thủng dạ dày cho bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày.

Nếu người bị ngộ độc do chất kiềm thì cho uống dung dịch axit nhẹ như giấm, nước quả chua…

Dùng chất bảo vệ niêm mạc dạ dày: Bột mỳ, bột gạo, sữa, lòng trắng trứng gà, nước cháo… để ngăn cản sự hấp thu của dạ dày, ruột đối với chất độc.

Dùng chất kết tủa: Nếu bị ngộ độc kim loại (chì, thủy ngân…) có thể dùng lòng trắng trứng, sữa hoặc 4 – 10g natri sunfat uống vào để kết tủa trung hòa chất độc.

Dùng chất giải độc: Với người bị ngộ độc kim loại nặng, axit… có thể uống kết hợp với chất độc thành chất không độc như uống hỗn hợp than bột, magie oxit.

Tuy nhiên, trong tất cả các trường hợp, nghi ngờ ngộ độc đều phải cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được bác sĩ đưa ra phác đồ cấp cứu điều trị phù hợp, kịp thời.

TV (ghi)

Theo Đời sống
back to top