Xử lý vết bỏng không đúng khiến tay co kéo

(khoahocdoisong.vn) - Hãy nhớ rằng luôn cần xin ý kiến từ bác sĩ trong mọi trường hợp bé bị bỏng. Sự bất cẩn có thể để lại cho bé những vết sẹo gây đau đớn kéo dài, thậm chí ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống sau này của bé.

Khi nấu cơm, do không để ý, bà Đ.T.H. (Hà Nội) xoay phần lỗ thoát hơi của nồi cơm điện ra ngoài. Bé N.D.M. chạy chơi gần đó chạm tay vào lỗ thoát khí của nồi cơm điện khi đang sôi làm cháu thét lên đau đớn. Bà thấy cháu bị bỏng liền dội qua nước lạnh khoảng 1 phút rồi đưa cháu đến thầy lang đắp lá.

Sau 2 tháng, tay cháu đã lành nhưng có vết sẹo co kéo gây hạn chế vận động, cháu không gấp, duỗi được ngón 3 tay, phải phẫu thuật tạo hình nhằm phục hồi chức năng gấp duỗi ngón tay.

Lời bàn: BS Hồng Phương, Khoa Nội nhi, Bệnh viện E T.Ư cho biết, khi bé bị bỏng, việc sơ cứu ban đầu tại nhà là một trong những yếu tố tiên quyết giúp vết thương không bị ăn sâu và tránh được tình trạng nhiễm trùng. Phụ huynh cần nắm rõ các bước sơ cứu quan trọng như sau:

1. Đưa trẻ ra khỏi nguồn nhiệt ngay. Tiếp đó, cởi bỏ quần áo quanh khu vực bỏng ngay lập tức, trừ các phần vải dính vào da.

2. Làm mát vết bỏng dưới vòi nước lạnh ít nhất 10 phút. Làm mát vết bỏng sẽ giảm đau, sưng và nguy cơ để lại sẹo. Vết bỏng được làm mát càng nhanh, càng lâu càng làm giảm hậu quả của vết bỏng.

3. Sau khi làm mát, che vết thương bằng túi nilon. Bước này sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách giữ sạch môi trường xung quanh vết thương và giảm đau khi giữ không khí trên bề mặt da. Tuy nhiên,  cần lưu ý không được để túi nilon dính vào vết bỏng. Ngoài ra, có thể quấn nhẹ vết bỏng bằng gạc, vải mềm hoặc khăn sạch nếu có.

4. Gọi cấp cứu nếu cần thiết. Hãy nhớ rằng luôn cần xin ý kiến từ bác sĩ trong mọi trường hợp bé bị bỏng. 

Theo Đời sống
back to top