Xử lý thức ăn thừa đúng cách

Sau mỗi bữa ăn thì thức ăn đôi khi vẫn còn thừa, nhiều khi cất vào tủ lạnh đến khi lấy ra dùng vẫn bị hỏng. Xử lý thức ăn thừa thế nào để đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa hè khi thời tiết nóng nực dễ làm phát sinh vi khuẩn gây ôi thiu thực phẩm… là điều mà không ít bạn đọc KH&ĐS quan tâm.

Thức ăn thừa cần được xử lý đúng cách.

Đừng chọc ngoáy

Thức ăn thừa là chuyện khá phố biến trong nhiều gia đình. Trong gia đình có người “quản lý bữa ăn” khéo thì thức ăn ít bị dư thừa, còn đối với những gia đình luôn có tâm lý “thừa còn hơn thiếu” thì thức ăn dư thừa sau bữa ăn là chuyện khá thường xuyên. Để xử lý thức ăn thừa, hầu hết các bà nội trợ thực hiện chính sách “cất vào tủ lạnh”.

Đầu bếp Trần Văn Đông, Nhà hàng Vinh Việt (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, việc xử lý đồ ăn thừa không đơn giản như cách chị em nội trợ vẫn nghĩ. Đành rằng là chúng ta có tủ lạnh, nhưng không phải cứ thức ăn thừa, trút vào hộp rồi cất tủ lạnh là yên tâm. Thực tế có nhiều gia đình cho thức ăn thừa vào tủ lạnh khi lấy ra ăn lại thì thức ăn đã hỏng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều ví dụ như không biết cách bảo quản trong tủ lạnh, thời gian bảo quản quá lâu…

Theo đầu bếp Trần Văn Đông, nhiều gia đình có thói quen, nấu bao nhiêu là trút ra bát/đĩa hết, ăn không hết thì cho vào hộp rồi cất tủ lạnh hoặc cẩn thận hơn thì đun lại để nguội rồi cho vào tủ lạnh. Thói quen này là rất sai lầm.

Thực tế, khi thức ăn đã múc ra bát/đĩa, bị chọc ngoáy thìa đũa vừa, thực phẩm sẽ rất nhanh bị hỏng; nguyên nhân là do đũa ăn của cả nhà đã đụng vào, vi khuẩn từ miệng, nước bọt đã theo đũa xâm nhập vào thức ăn này. Vì thế, sau đó dù bạn có cất chúng vào tủ lạnh, thức ăn sẽ vẫn nhanh chóng bị hỏng.

Việc bạn đun lại cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi thức ăn đã nấu chín rồi lại được “tái” nấu lại thì sẽ không đảm bảo cả về mặt hình thức trình bày lẫn dinh dưỡng.

Vì vậy, vai trò của người “quản lý bữa ăn” của các bà/các mẹ là rất quan trọng. Họ cần phải quan sát và ước lượng số người tương ứng với lượng thức ăn. Nếu đã lỡ tay nấu nhiều, bạn không nên múc tất cả thức ăn ra bát/đĩa. Chỉ nên múc một phần thức ăn từ nồi nấu ra đĩa, bát, chú ý dùng đũa, thìa hay muôi sạch.

Chỗ thức ăn còn lại có thể vẫn để trên xoong/nồi hoặc cho ra một chiếc bát/đĩa sạch khác. Nếu ăn hết, có thể múc tiếp từ chỗ đã để riêng; nếu không, chỗ để riêng đó, khi bạn chưa “chọc ngoáy” vào, có thể yên tâm cất vào trong tủ lạnh.

Với riêng cơm nguội, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu Lúa, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội hướng dẫn: Sau khi bữa ăn kết thúc, bạn lấy muôi xúc cơm “vén” cho cơm gọn lại sau đó cắm lại cơm cho nóng. Đây được gọi là quá trình thanh trùng. Sau khi cơm đã nóng thì rút phích điện ra và cứ để như vậy. Đến bữa sau, bạn cho một tí nước nóng vào và đảo lại cơm cho cơm đỡ khô sau đó cắm lại cho nóng. Tuy nhiên, kiểu này không quá 1 ngày, tốt nhất cơm thừa bữa này thì ăn ngay vào bữa sau đó.

Tối đa 24h

Một vấn đề nữa khi bảo quản trong tủ lạnh là thời gian để được trong bao lâu. Bạn đừng tưởng tủ lạnh có thể giúp bạn bảo quản thực phẩm tươi giống với thực phẩm đã nấu chín. Đầu bếp Trần Văn Đông cho rằng, thực phẩm chín khó bảo quản hơn thực phẩm sống nhiều. Ví dụ, một mớ rau còn tươi bạn có thể bảo quản 3 – 5 ngày trong tủ lạnh, nhưng mớ rau đó khi đã được xào lên rồi cho vào tủ lạnh bảo quản để 3 ngày sẽ bị hỏng ngay.

Lý do là vì thực phẩm tươi sống chúng vẫn có có khả năng tự miễn dịch, nhưng thực phẩm chín thì không. Khi nấu chín, chúng ta có thể diệt được vi khuẩn bám trong thực phẩm, nhưng vi khuẩn ngoài môi trường khi đó sẽ tấn công rất nhanh, lúc này tủ lạnh chỉ giúp hạn chế khả năng xâm nhập của vi khuẩn chứ không thể giúp thực phẩm hoàn toàn miễn dịch với vi khuẩn.

Chính vì thế, cách tốt nhất ăn đến đâu, nấu đến đấy vừa ngon vừa đảm bảo chất dinh dưỡng, nếu đã lỡ tay nấu nhiều thì nên ăn bao nhiêu thì múc ra đến đấy. Ngoài ra, cần nhớ rằng, dù để tủ lạnh, cũng chỉ để được một thời gian nhất định. Vì vậy, dù bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, thức ăn dư thừa cũng chỉ nên ăn trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top