Xử lý nợ xấu: “Khó” do tài sản bảo đảm

(khoahocdoisong.vn) - Thời gian gần đây công tác xử lý nợ xấu đã được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc khi giải quyết tài sản bảo đảm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ 15/8/2017 (thời điểm hiệu lực của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đến 31/8/2019, toàn hệ thống đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Dù xử lý nợ xấu đã được cải thiện, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng nợ xấu "dọn" chậm do gặp khó ở tài sản bảo đảm.

Ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh Thanh tra giám sát thuộc NHNN cho biết, điểm vướng rõ nhất hiện nay là thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán. Theo đó, NHNN tiếp tục nhận được kiến nghị của các TCTD phản ánh về việc phải nộp các khoản thuế trước khi thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm là các TCTD. Điều đó đã làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD. Nhiều trường hợp số tiền bán tài sản bảo đảm không đủ thu hồi nợ cho TCTD, nhưng vẫn phải nộp thuế, gây khó khăn cho các bên.

Còn theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, Nghị quyết 42/QH14 cho phép ưu tiên thanh toán nợ gốc của TCTD sau khi đấu giá tài sản bảo đảm, nhưng trong quá trình thực thi, các cơ quan lại có cách áp dụng khác nhau. Ví dụ Nhà máy Xi măng Thanh Liêm (Hà Nam) đấu giá thành công hơn 500 tỷ đồng để xử lý nợ xấu tại Agribank, trả chậm trong 20 năm. Sau khi đấu giá thành công, cơ quan thuế yêu cầu phải nộp khoản thuế 40 tỷ đồng, dù TCTD đã đưa ra rất nhiều hóa đơn tài chính chứng minh khoản nợ xấu cần xử lý là rất lớn và thực tế số tiền thu được sẽ về dần trong 20 năm.

Ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết, khi xử lý tài sản bảo đảm, cơ quan thuế bắt nộp thuế thu nhập nhưng thực tế doanh nghiệp không còn tài sản. Nhưng ngay cả khi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có hướng dẫn cách xử lý theo Nghị quyết 42 nhưng cách hiểu và vận dụng ở các cục thuế địa phương vẫn không thống nhất.

Ngoài ra, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tài sản bảo đảm đến nay vẫn còn hạn chế. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác phối hợp, hoàn thiện cơ sở pháp lý, cần thúc đẩy việc xây dựng cơ sở thông tin liên quan tài sản bảo đảm để quá trình xử lý nợ xấu đạt hiệu quả tích cực trong thời gian tới.

Theo Đời sống
back to top