Xử lý dứt điểm giãn dây chằng cổ chân

Giãn dây chằng gây đau đớn và ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động. Nếu bệnh không phát hiện sớm và xử lý kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Người bị giãn dây chằng cổ chân sẽ cảm thấy đau nhói ở vị trí khớp cổ chân, gây khó khăn đi lại vận động cho người bệnh, khớp sẽ trở nên tê dại, sau đó sẽ không còn cảm thấy đau nhưng tình trạng này sẽ chấm dứt sau 1 giờ thì các cơn đau lại xuất hiện kéo đến.

Lúc này khớp cổ chân có cảm giác đau đớn khó cử động và có dấu hiệu sưng to, vùng da quanh vị trí khớp có dấu hiệu bầm tím hoặc tái nhợt do bị chảy máu ở bên trong. Khi ấn lên vùng da bị tình trạng giãn dây chằng sẽ thấy cảm thấy rất nóng và rất đau.

Nếu trường hợp nặng, dây chằng đứt hoàn toàn có thể dẫn tới lỏng khớp khiến người bệnh cảm thấy cổ chân yếu, không vững, khi di chuyển sẽ thấy không thật chân, khó thực hiện các thao tác mạnh và nhanh.

Lúc này người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám và hỗ trợ điều trị tránh để bệnh phát triển nặng có thể gây ra thoái hóa khớp cổ chân.

Để giảm đau khi bị giãn dây chằng cổ chân cần ngưng vận động ngay khi phát hiện. Chườm lạnh để làm tê nhanh chóng giúp giảm đau, ngăn ngừa phù nề hiệu quả.

Người bệnh sử dụng mảnh vải mỏng bọc 3 – 4 viên đá lại rồi chườm lên vị trí cổ chân bị giãn dây chằng sẽ thấy các triệu chứng đau nhức giảm đáng kể. Tránh việc chườm nóng vì điều này sẽ làm gây ra việc giãn mạch, khiến cho khớp sưng to.

Tiếp theo sử dụng băng thun thực hiện băng ép dây chằng khớp cổ chân. Nên thực hiện căng nhẹ băng thun không nên chặt quá mà cũng không được lỏng quá.

Nằm kê chân cao giúp sự lưu thông máu tĩnh mạch dễ dàng hơn. Chú ý không nên kê quá cao, thường khoảng 10-20cm là vừa. Cao quá sẽ làm tê chân do giảm lượng máu động mạch xuống bàn chân.

Sau khi băng thun, chuyển bệnh nhân đi kiểm tra cổ chân bằng phim X-quang. Nếu không gãy xương, đa số là tổn thương dây chằng cổ chân và bao khớp, còn gọi là bong gân thì cố định tư thế cổ chân trong một thời gian để các dây chằng lành (thường là từ 3-6 tuần).

Sau đó sẽ tập cổ chân trong khoảng vài tuần nữa mới có thể phục hồi như trước chấn thương.

Hiện nay, có thể rút ngắn thời gian phục hồi bằng uống thuốc, châm cứu, truyền dưỡng chất… Tuy nhiên, cần đến các chuyên khoa xương khớp uy tín tại các bệnh viện lớn để tránh biến chứng và điều trị kéo dài.

Thời gian này cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng với những thực phẩm giàu chất kẽm, đồng, canxi,… để giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, thúc đẩy dây chằng cổ chân được phục hồi nhanh hơn.

Ths.BS Trần Danh Phương

Khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Thể thao Việt Nam

Theo Đời sống
back to top