Xử lý đúng khi bị sốc nhiệt trong ôtô

(khoahocdoisong.vn) - Sau vụ việc cháu bé 6 tuổi tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón trường Gateway và bé 3 tuổi ở Bắc Ninh bị sốc nhiệt do bị bỏ quên khoảng 8 giờ trên ôtô được cứu sống, Bộ Y tế đã đưa ra cách xử lý khi bị sốc nhiệt.

Sốc nhiệt gây biến chứng đến tất cả bộ phận cơ thể

Sốc nhiệt là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể trên 40OC, kèm theo rối loạn chức năng thần kinh (rối loạn ý thức, hôn mê, co giật). Có hai loại là sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt gắng sức.

Sốc  nhiệt kinh điển hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch... hoặc do tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ, nhiều ngày. Sốc nhiệt gắng sức xảy ra ở người trẻ, khỏe mạnh, thường phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao, sự sinh nhiệt lúc tập thể dục, gắng sức.

Nguyên nhân chính sinh bệnh lý sốc nhiệt là tốc độ sinh nhiệt vượt quá khả năng của cơ thể đào thải nhiệt. Sự tiến triển thành sốc nhiệt và tổn thương cơ quan đích có liên quan tới đáp ứng sinh lý của tăng nhiệt độ, ngộ độc nhiệt trực tiếp và đáp ứng viêm.

Khi nhiệt độ tăng cao quá mức, tế bào có thể chịu đựng dẫn tới thoái hóa protein. Cơ thể có thể bị tổn thương trong thời gian từ 45 phút tới 8 giờ sau khi thân nhiệt là 42OC. Hầu hết tất cả các tế bào đều tự bảo vệ bằng cách sinh ra protein bảo vệ nhiệt nhằm kéo dài sự tồn tại. Sự tăng loại protein này còn xuất hiện cả trong thiếu máu, thiếu oxy, nội độc tố, cytoxin viêm. Những trường hợp có nồng độ protein này thấp đều dễ bị tổn thương nhiệt như tuổi cao, mất thích nghi khí hậu...

Sau khi bị stress nhiệt, cơ thể sản sinh ra nhiều chất trung gian của đáp ứng viêm nhằm bảo vệ và sửa chữa tổn thương. Những cytokene và interlerkin tạo ra sốt, làm tăng tính thẩm thành ruột dẫn tới tạo các nội độc tố. Chúng kết hợp làm suy giảm khả năng điều hòa nhiệt và phòng ngừa tụt huyết áp, tăng nhiệt độ.

Triệu chứng nhiệt độ cơ thể trên 40OC, da nóng và khô, mệt, đau đầu, khó thở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, cơn động kinh, hôn mê, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, tiêu cơ vân... Sốc nhiệt có thể gây biến chứng đến tất cả bộ phận cơ thể như tụt huyết áp, thủng cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, hạ hoặc tăng kali máu, hạ canxi máu, hạ đường huyết, liệt nửa người, hôn mê, vàng da, suy gan...

Hạ nhiệt sai rất nguy hiểm

Khả năng cứu sống bệnh nhân tùy thuộc thời gian từ lúc tăng thân nhiệt đến khi được điều trị. Nếu được phát hiện sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực các biến chứng, bệnh nhân trên 90% sống sót. Tình trạng sẽ xấu khi nhiệt độ trên 42,2 độ C, hôn mê, hoại tử tế bào gan, rối loạn đông máu, tăng thân nhiệt kéo dài, suy thận, tăng kali máu...

Tiên lượng xấu tỷ lệ với thời gian từ lúc tăng thân nhiệt tới lúc được điều trị. Điều trị sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực biến chứng, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Dấu hiệu tiên lượng xấu: hoại tử tế bào gan, rối loạn đông máu, toan lactic, nhiệt độ > 42,2 O C, hôn mê > 4h, suy thận, tăng kali máu, tăng men gan ATS> 1000U/L, tăng thân nhiệt kéo dài...

Bệnh nhân cần được điều trị ngay bằng cách hạ thân nhiệt và hỗ trợ chức năng các cơ quan. Ở ngoài viện: Làm mát ngay tức thì và hỗ trợ chức năng cơ quan; Đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng, cởi bỏ quần áo chuyển tới nơi bóng dâm; Hỗ trợ đường hô hấp, tuần hoàn bằng đặt đường truyền tĩnh mạch hở oxy không khí hỗ trợ nếu có chỉ định; Ngay lập tức hạ thân nhiệt bệnh nhân bằng mọi cách có thể nhưng không gây cản trở việc vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, mục đích là phải hạ thân nhiệt ngay xuống dưới 39,4 độ C,  vận chuyển bằng xe ô tô điều hòa nhiệt độ hoặc mở cửa sổ, có thể vừa vận chuyển vừa hạ nhiệt bệnh nhân.

Bệnh nhân vào viện sẽ được bù nước và điện giải bằng cách làm lạnh càng nhanh càng tốt để hạ thân nhiệt với tốc độ 0,2 độ C một phút, nhiệt độ trực tràng xuống 380C, nhiệt độ da 30-33OC. Tuy nhiên nếu hạ thân nhiệt thấp hơn lại gây tác dụng phụ. Bệnh nhân sau đó sẽ được ổn định chức năng hô hấp tuần hoàn, thở máy khi có suy hô hấp, bù dịch theo áp lực tĩnh mạch trung tâm, sử dụng các thuốc nâng huyết áp nếu cần, tránh thuốc kích thích. Bệnh nhân có biểu hiện tiêu cơ vân sẽ phải bù dịch và lợi tiểu. Trường hợp bị suy đa tạng phải lọc máu liên tục, lọc gan, tuần hoàn ngoài cơ thể.

Cách làm lạnh: Ngâm bệnh nhân trong nước đá là cách làm lạnh có hiệu quả cao song có thể gây co mạch ngoại vi, rét run, hạ thân nhiệt quá, khó theo dõi các chức năng sống. Vì thế, bác sĩ khuyến khích hạ thân nhiệt cho bệnh nhân bằng cách ngâm nước mát 20 – 25OC, chườm nước mát, dội nước mát vào người.... Ngoài ra có thể đặt các túi chườm đá vào vùng bẹn, nách, cổ hoặc sử dụng chăn làm lạnh...

Thúy Nga 

Theo Đời sống
back to top