Xử lý dị ứng, nhiễm độc do thuốc muỗi tồn lưu

Thuốc muỗi tồn lưu được sử dụng nhiều nhưng chuyên gia cho rằng, cần cẩn trọng loại thuốc này nhằm hạn chế ảnh hưởng môi trường cũng như sức khoẻ.

Thuốc tồn lưu kéo dài nhưng dễ dị ứng

PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên Trưởng phòng Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng T.Ư cho hay, hiện có thực trạng là nhà dân sử dụng thuốc muỗi chứa chất tồn lưu rất nhiều với mong muốn phun xong không còn muỗi với thời gian dài và đặc biệt không phải ngủ trong màn. Bản thân các đơn vị làm dịch vụ cũng chuộng sản phẩm dạng này, bởi hiệu quả nhanh, thời gian kéo dài nên người sử dụng dịch vụ sẽ hài lòng.

Vị chuyên gia phân tích, thuốc muỗi tồn lưu khi phun xịt vào nhà sẽ có đặc điểm như bám chặt trên bề mặt vật liệu. Nhà có tường bằng gạch, tre, nứa khả năng bám càng lâu, sau đó đến tường sơn. Thậm chí, có những bức tường, thuốc có thể giữ từ 4-8 tháng. Với vật liệu gỗ, khả năng bám thuốc được đánh giá là cao nhất.

Khi muỗi bay vào nhà, đậu lên tường sẽ bị dính thuốc dẫn đến độc hệ thần kinh, sau đó chết hoặc không dám bay vào nhà nữa. Do đó, thuốc sẽ giúp nhà chống muỗi được thời gian dài mà không cần phun lại, vừa giúp chủ nhà tiết kiệm, đỡ mất công. Đây là những lý do người ta ưa chuộng thuốc xịt muỗi dạng tồn lưu.

Tuy nhiên, chính người dùng không biết rằng, thuốc tồn lưu có những nguy hiểm nhất định đến môi trường cũng như sức khoẻ người sống trong môi trường đó.

Cách xử lý dị ứng thuốc muỗi

Cụ thể, vị chuyên gi về côn trùng phân tích, khi phun thuốc muỗi tồn lưu, các chất này sẽ thấm vào đất, xuống nguồn nước ngầm và ảnh hưởng về lâu dài.

Đối với người, thuốc có thể gây dị ứng như rát mặt, má, khô họng, đau họng, da tay chân nổi mẩn hoặc sưng phù… Có điều này là do các nhóm hoạt chất như Alphacypermethrin và Lambdacyhalothrin gây nên. Phần nhiều các gia đình phun xịt thuốc tồn lưu đều có một trong các dị ứng này, dù là nhỏ. Vì thế, người dùng cần cân nhắc sử dụng, nhất là gia đình có trẻ nhỏ và người già, người có cơ địa mẫn cảm.

Trường hợp bị dị ứng nhẹ, cần tắm rửa bằng nước máy (lạnh), dội nhiều nước để làm loãng và trôi hóa chất bám dính trên cơ thể. Nên kết hợp bằng cách uống thêm nước đường glucoza để thải độc. Nếu bị nặng, cần đến bệnh viện da liễu hoặc các khoa chống độc để được thăm khám đầy đủ.

Đặc biệt, để tránh dị ứng cũng như ảnh hưởng sức khoẻ về lâu dài, sau khi phun xịt thuốc muỗi dù là tồn lưu hay không cũng cần lưu ý: Sau khi phun thuốc cần cách ly ít nhất 2 tiếng đến 1 ngày. Sau 2 tiếng cần mở cửa ra cho thoáng, không sờ vào tường, vật dụng sau khi phun. Thay vào đó, nên lau nhà cửa, các đồ dùng tiếp xúc hàng ngày để sạch sẽ, giảm thiểu nguy cơ. Trong vòng 1-2 tuần sau khi phun, vẫn cần hạn chế sờ vào tường để tránh ảnh hưởng. Đến tuần thứ 3, hoạt chất sẽ bay hơi nên đỡ hơn, nhưng với thuốc tồn lưu cần kéo dài hơn để đảm bảo an toàn.

Tại các địa điểm nhiều muỗi, cần sử dụng kết hợp các biện pháp vệ sinh xung quanh với phun thuốc muỗi. Chỉ phun thuốc tồn lưu khi thực sự cần. Nếu phun, chỉ một lần một năm là nhiều nhất. Phun vào đầu mùa muỗi phát triển như tháng tư hàng năm thì sẽ kéo dài đến được tháng mười một, lúc này sẽ ổn hơn.

“Một điều lưu ý khi chọn phun thuốc muỗi là không dùng loại thuốc “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”, chết hàng loạt muỗi sau khi phun. Bởi muỗi chết nhanh thuốc càng độc với các nhóm chất có chứa cyanua, asenic… Các chất này có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh người, gây ngộ độc, dị tật cho trẻ nhỏ” – PGS.TS Phạm Thị Khoa.

Hiền Dung

Theo Đời sống
back to top