Xử lý các “rắc rối” khi mưa nhiều

Trời mưa liên tiếp trong suốt thời gian qua đã gây ra nhiều rắc rối, như tường ẩm gây nấm mốc, nhà cửa bốc mùi khó chịu, quần áo không khô được… Theo các chuyên gia, việc xử lý những rắc rối này không khó, nhưng phải làm đúng.

Nấm mốc: Khi xử lý phải có đồ bảo hộ

Nhiều độc giả của KH&ĐS cho biết, thời gian vừa qua mưa nhiều, khiến cho tường nhà, nhất là những khu vực tường “nhạy cảm” như sau lưng tủ, góc tường chỗ nhà tắm… bị mốc bám từng mảng. Để xử lý nấm mốc, nhiều người lấy dao hoặc các vật sắc nhọn cạo hết phần mốc, hoặc lấy giấy dán tường, dán đè lên phần bị mốc…

Mưa nhiều khiến nhà bị nấm mốc

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Dịch vụ Vệ sinh Nhà sạch, Cầu Giấy, Hà Nội, những biện pháp này vừa không hiệu quả, thậm chí còn gây tổn hại đến sức khoẻ. Lý do là vì khi bạn cầm các vật sắc nhọn cạo, không cẩn thận có thể làm bào tử nấm bay vào mũi, miệng, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hơn thế, việc sử dụng vật sắc nhọn, hay giấy dán tường để xử lý chỉ là biện pháp tạm thời, không loại trừ được tận gốc.

Tốt nhất, bạn có thể dùng  giấm ăn pha loãng với nước rồi quét lên chỗ tường bị nấm mốc, hoặc hiệu quả hơn nữa là dùng nước giaven, để tiêu diệt bào tử nấm. Khi xử lý nhớ đeo găng tay và khẩu trang để tránh bị nấm mốc dính vào cơ thể. Ngoài ra, bạn cần phải xử lý những khu vực tường bị ẩm mốc để tránh nấm mốc tái xuất hiện bằng cách xử lý chống thấm, chống ẩm…

Hôi mốc là do vệ sinh kém

Do mưa nhiều nên không ít gia đình cho biết, nhà cửa của họ thường xuyên bị hôi mốc. Theo ông Nguyễn Thành Vinh, khác với mùa đông nồm ẩm kéo dài, vào mùa thu, xen kẽ các đợt mưa sẽ có ngày có nắng vì thế việc một số gia đình thấy nhà cửa bị hôi, mốc chủ yếu là do thiết kế nhà hoặc do việc kê đồ đạc thiếu hợp lý, khiến cho không khí không lưu thông được gây cảm giác thiếu thông thoáng, hoặc do vệ sinh nhà cửa không đúng cách nên mới có mùi hôi…

Ví dụ thấy trời mưa thì đóng hết các cửa để mưa khỏi hắt, nhưng khi hết mưa lại quên mở cửa để không khí bên ngoài tràn vào. Tương tự, khi trời mưa, có thể làm một số khu vực quanh nhà bị hắt mưa, ẩm ướt nhưng lại không được chú ý vệ sinh sạch sẽ khi hết mưa; đồ dùng đi ngoài trời mưa như ô, áo mưa, giầy dép không được xử lý ngay (giầy ướt vẫn vứt vào tủ giầy, áo mưa ướt vo viên vứt vào một góc)…

Chính những điều này làm cho nhà cửa hôi mốc, khó chịu. Tốt nhất phải giữ cho nhà cửa sạch sẽ, không đọng nước; bố trí đồ đạc hợp lý để tạo sự thông thoáng, những đồ dùng không sử dụng đến nên vứt đi hoặc thanh lý để tránh làm chật nhà, các đồ dùng ướt mưa khi đi mưa về cần được xử lý ngay, ví dụ như áo mưa treo lên mắc hoặc lau khô; giầy dép thì dùng khăn bông lau cho hết bẩn và nước bám trên giầy trước khi cho vào tủ giầy.

Đừng quá lạm dụng máy giặt sấy

Cuộc sống hiện đại, khiến nhiều gia đình trang bị đầy đủ máy giặt sấy, hoặc ngoài máy giặt còn kèm theo máy sấy. Khi bạn đã có những vật dụng này, quần áo đảm bảo luôn khô cong dù trời mưa rầm rề vài ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng chức năng sấy rất tốn điện.

Vì thế, đừng quá lạm dụng chức năng sấy khi có những giải pháp thay thế, hoặc nếu bạn không có điều kiện trang bị máy sấy, bạn cũng không phải lo quần áo không khô được.

Có rất nhiều giải pháp để làm quần áo khô, ví dụ như có thể sử dụng chức năng vắt cực khô của máy giặt, trong điều kiện mưa gió, bạn có thể để chế độ vắt ở mức cao nhất nhằm vắt kiệt quần áo.

Nếu ban đêm bạn dùng điều hòa thì có thể treo những quần áo đã vắt gần khô này trong phòng, sáng ra là đã có quần áo khô sạch. Với một hai cái quần áo còn hơi ẩm bạn có thể dùng bàn là, máy sấy tóc để hong khô.

Ngoài ra, vào ngày mưa, bạn cần tránh giặt quá nhiều quần áo một lúc, mà hãy chia từng mẻ, giặt khô mẻ này hãy giặt tiếp mẻ khác. Cách tốt nhất, bạn nên phân chia loại nào cần giặt ngay, loại nào có thể chờ. Với những quần áo chờ giặt thay vì vứt đống trong giỏ giặt, bạn nên treo chúng lên để tránh hôi mốc.

Huy Khánh

Theo Đời sống
back to top