Xông mặt bằng lá bưởi, coi chừng nhiễm khuẩn, hại da

Mùa hanh khô, da dẻ mất đi sự mịn màng, thậm chí còn nổi mụn, sạm màu. Với mong muốn trị mụn, làm sáng da, giúp da mịn màng, nhiều người sử dụng phương pháp xông mặt bằng lá bưởi, lá sả, vỏ bưởi…, vốn là những thảo dược tự nhiên vẫn được “các cụ” sử dụng để gội đầu làm mượt tóc.

Sẵn có và an toàn

Trong lĩnh vực làm đẹp, vỏ bưởi, lá bưởi, lá sả từ xa xưa được ông cha ta đun lấy nước để gội đầu, giúp tóc óng mượt. Hiện nay, việc dùng sả, bưởi để gội đầu không còn phổ biến nữa nhưng chúng lại được dùng vào một biện pháp làm đẹp mới đấy là đun nước xông hoặc rửa mặt để làm đẹp da mặt.

Xông mặt bằng lá bưởi và các thảo dược giúp làm sạch da

Xông mặt bằng lá bưởi và các thảo dược giúp làm sạch da – ảnh minh họa

Chuyên gia Nguyễn Minh Hương, Trung tâm Thẩm mỹ Trúc Lâm (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết ưu điểm của những loại lá hay vỏ bưởi là sẵn có, và là loại thảo dược nên an toàn để sử dụng. Trong lá bưởi, vỏ bưởi hay lá sả đều có chứa thành phần tinh dầu nên nhiều người hy vọng tinh dầu giúp làm bóng tóc, mượt tóc sẽ giúp ích cho việc làm mềm mượt da, thậm chí làm da thêm trắng sáng, rạng ngời.

Việc thực hiện xông mặt bằng lá bưởi, lá sả, vỏ bưởi,… cũng khá đơn giản chỉ với một chút lá, nước đun sôi, khăn bông.  Đầu tiên là rửa sạch nguyên liệu, cho vào nồi đun trong 10 phút để tinh dầu trong lá ra hết. Sau đó, dùng khăn trùm kín phần đầu và nồi nước xông, để mặt cách nồi nước xông khoảng cách 30cm, từ từ mở nắp nồi để hơi nước bốc lên, lan tỏa khắp vùng da mặt, cứ thể thực hiện việc xông hơi làm đẹp da mặt khoảng 5-10 phút để hơi nước lấy hết đi bụi bẩn, lớp dầu thừa, giúp da làm sạch sâu từ đó trị mụn, giúp da sáng đẹp.

Sau khi xông hơi xong thì dùng khăn sạch thấm khô. Một số người dùng khăn bông ẩm và ướp lạnh để lau hoặc đắp lên mặt, với suy nghĩ sau khi lỗ chân lông nở ra do xông hơi nóng thì việc đắp khăn lạnh sẽ giúp lỗ chân lông se khít lại.

Lành tính nhưng vẫn cần thận trọng

Lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Đông y Việt Nam cho biết, sả, bưởi… từ lâu đã được biết đến là những dược liệu quý. Ngoài việc đun nước gội đầu, từ xa xưa, ông cha ta đã sử dụng các loại lá cây này kết hợp với nhiều loại lá khác nữa để xông, nhưng chủ yếu là để giải cảm.

Khi xông, công dụng làm đẹp của các loại thảo dược này cũng có thể có, nhưng rõ ràng không phải là công dụng chính. Các thành phần tinh dầu trong lá có tác dụng giúp thư giãn rất tốt, ngoài ra cũng có tác dụng sát khuẩn nhẹ vì vậy có thể giúp làm sạch da, ngăn ngừa mụn, từ đó giúp da khỏe. Khi xông mặt bằng lá bưởi lá sả hay các loại thảo dược có tinh dầu cũng giúp cung cấp độ ẩm cho da, giúp da mềm mướt. Tuy nhiên, khả năng làm trắng da là rất khó.

Mặc dù các thảo dược này đều lành tính nhưng người dùng cũng cần chú ý thận trọng với nguy cơ nhiễm khuẩn, bởi nếu nguyên liệu không được rửa sạch kỹ thì khi xông, hơi tinh dầu bốc lên sẽ kèm theo cả các chất bẩn có thể làm da thêm bẩn và nhiễm khuẩn. Ngoài ra, các thành phần thảo dược này cũng có tính ấm, kích thích ra mồ hôi, giải phóng các chất độc trong cơ thể và làm khô thoáng lỗ chân lông, nhưng cùng với đó là nguy cơ ra mồ hôi quá nhiều, gây mất nước cho da, làm da bị khô, thiếu ẩm.

Chuyên gia Nguyễn Minh Hương nhấn mạnh thêm, trước khi xông mặt bằng lá bưởi hay các thảo dược phải rửa mặt,  tẩy trang thật sạch. Đây là bước rất quan trọng để có làn da sạch. Nhiều người nghĩ rằng xông hơi đã có thể làm sạch da, nhưng suy nghĩ này hoàn toàn sai. Nếu không tẩy trang kỹ trước khi xông hơi thì các bụi bẩn đang bám trên da mặt sẽ chui vào lỗ chân lông trong quá trình xông hơi và làm viêm lỗ chân lông. Vì thế có nhiều bạn sau khi xông hơi thì tình trạng mụn trên da còn nặng hơn. Ngoài ra khi xông bạn không được để mặt quá gần nồi nước vì độ nóng của hơi nước sẽ làm tổn thương làn da, gây tác dụng ngược.

Việc xông hơi nóng giúp kích thích các mạch máu dưới da lưu thông, co giãn nhịp nhàng, giúp da hồng hào, khỏe mạnh. Tuy nhiên, không nên vì lợi ích đó mà quá lạm dụng việc xông hơi nóng thường xuyên, ở nhiệt độ cao, với những nguyên liệu có tính ấm, có thể gây bỏng, rộp da. (Lương y Nguyễn Văn Sử).

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top