Xoa ngực phòng trị bệnh đường hô hấp

(khoahocdoisong.vn) - Tự xoa bóp “bổ phế ích khí” là phương pháp dùng hai bàn tay xoa xát, day ấn vào các vùng, các huyệt vị thích hợp trên cơ thể nhằm đạt mục đích phòng chống các bệnh về đường hô hấp trên...

Đông y cho rằng, phổi có chức năng tuyên phát vệ khí, thâu tinh ư bì mao, bảo vệ cơ biểu, phòng ngự ngoại tà xâm nhập. Phế khí đầy đủ, cơ biểu chắc chắn thì tà khí khó bề xâm nhập, có thể bảo vệ được sức khoẻ. Vì vậy, cần xoa bóp các huyệt vị để bổ phế ích khí.

Day các huyệt trên mặt: Nghinh xuân, ấn đường, thái dương, phong trì trong 1 phút. Dùng đầu hai ngón tay trỏ hoặc đầu hai ngón tay giữa, lần lượt day vào huyệt nghinh xuân ở hai bên sống mũi, làm cho có cảm giác tức mỏi tại chỗ là được. Dùng mặt có vân tay của một ngón tay cái áp vào giữa lông mày day ấn huyệt ấn đường. Dùng đầu hai ngón tay trỏ lần lượt day ấn vào hai huyệt thái dương ở hai chỗ hõm giữa đuôi lông mày và góc mắt ngoài lùi về phía sau khoảng một tấc. Dùng hai đầu ngón tay cái lần lượt day ấn vào huyệt phong trì ở hai bên sau gáy, khi day ấn hơi có cảm giác đau tức tại chỗ.

Nắm cổ 1 phút: Dùng ngón cái và hai ngón trỏ, giữa nắm chặt lấy gân cổ (cơ tà phương), nắm từ trên xuống dưới, từ nhẹ đến mạnh khi nắm có cảm giác tức mỏi là được.

Đấm vào huyệt kiên tỉnh 20 lần: Ngồi hoặc đứng, nửa thân trên thẳng, một tay nắm lại thành quả đấm, đấm vào huyệt kiên tỉnh ở vai bên kia rồi đổi bên. Huyệt ở chỗ lõm vùng trên vai.

Day huyệt phong môn, phế du, thiên dung: Dùng mặt có vân ở hai ngón tay cái xoa bóp một phút hai huyệt phong môn (dưới mỏm gai đốt sống lưng 2, ra ngang 1, 5 thốn) và phế du ở sau lưng (dưới gai đốt sống lưng 3, đo ngang ra 1, 5 thốn). Dùng đầu ngón tay giữa day ấn một phút huyệt thiên dung (ở phía sau góc xương hàm dưới, bờ trước cơ ức - đòn - chũm, phía dưới cơ hai thân).

Bóp hợp cốc: Dùng ngón cái và ngón trỏ đối xứng nhau bóp mạnh vào huyệt hợp cốc 1 phút (ở bờ ngoài, giữa xương bàn ngón 2. Cách xác định: khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái. Hoặc Ngón tay cái và ngón tay trỏ xòe rộng, lấy nếp gấp giữa đốt 1 và đốt 2 của ngón tay cái bên kia để vào chỗ da nối ngón trỏ và ngón cái (hổ khẩu tay này, đặt áp đầu ngón cái lên mu bàn tay giữa 2 xương bàn 1 và 2), đầu ngón tay ở đâu, nơi đó là huyệt, ấn vào có cảm giác ê tức), sao cho có cảm giác tức mỏi tại chỗ, tay phải và tay trái lần lượt thay đổi nhau mà làm. Dùng mặt có vân của ngón cái bấm 1 phút vào huyệt thận du, huyệt túc tam lý.

Day huyệt dũng tuyền 30 lần: Dùng một mặt bên của bàn tay “tiểu ngư tế” áp sát vào gan bàn chân, xát nhanh và mạnh vào huyệt dũng tuyền ở mé bên kia, xát cho tới khi nóng bừng lên, thay đổi vị trí ở hai chân mà xát. Ví trị huyệt dũng tuyền: Dưới lòng bàn chân, huyệt ở điểm nối 2/5 trước với 3/5 sau của đoạn đầu ngón chân thứ 2 và giữa bờ sau gót chân, lỗ hõm dưới bàn chân.

Phương pháp này có tác dụng bổ ích phế thận, ích khí phòng phong, có tác dụng trị liệu rất tốt đối với các bệnh đau đầu, tắc mũi, xổ mũi, hắt hơi, ho do cảm cúm gây ra.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top