Xoa bóp chăm sóc người già nhức xương khớp

(khoahocdoisong.vn) - Xoa bóp bấm huyệt tại nhà có tác dụng kích thích lưu thông máu, các chi phục hồi chức năng vận động. Con cháu xoa bóp cho người già giúp khỏe cả tinh thần và thể lực.

Xoa bóp bấm huyệt tại gia đình là thủ thuật có tác dụng giải tỏa sự ách tắc trong các nhánh mạch, kích thích sự lưu thông máu và giúp các chi phục hồi chức năng vận động. Ngoài ra, xoa bóp còn là “liều thuốc tinh thần” vô cùng tuyệt vời mà những người thân của bệnh nhân dành cho người nhà.

Trong nhiều trường hợp, bệnh tật trở nên tồi tệ hơn là do tinh thần của người bệnh bị suy sụp, họ cô đơn và có cảm giác bị bỏ rơi. Với các bước chăm sóc đơn giản tại nhà dưới đây, người bệnh có thể phục hồi cả về tinh thần và thể chất.

Xoa bóp chi trên và chi dưới: Bệnh nhân nằm ngửa, người làm massage (mát xa) đứng bên cạnh, dùng bàn tay làm động tác bóp, nắm ở mé trong và ngoài tay và chân bệnh nhân từ trên xuống dưới trong 7 phút, đặc biệt ở vai, khuỷu tay, háng, đầu gối.

Xát vùng hông - xương cùng cụt: Bệnh nhân nằm sấp, thủ thuật viên dùng một tay giữ lấy eo lưng bệnh nhân, dùng bàn tay kia chà da bệnh nhân từ vùng hông xuống đến vùng chậu (tương ứng với xương cùng) trong 2 phút. Cần tạo ra cảm giác nóng tại chỗ.

Đẩy và nhào dọc theo kinh Bàng quang dọc cột sống: Bệnh nhân nằm sấp, người làm mát xa, xoa bóp đứng bên cạnh, làm thủ pháp đẩy và nhào dọc theo kinh Bàng quang ở cạnh cột sống từ trên xuống dưới. Lặp lại nhiều lần trong 3 phút.

Véo và bắt gió giúp lưu thông máu: Bệnh nhân nằm nghiêng từng bên. Người làm mát xa xoa bóp đứng phía sau, dùng 1 tay giữ lấy một chi, tay kia làm thủ pháp véo và bắt gió từ vai xuống cánh tay, khuỷu tay, cổ tay, sau đó từ mông xuống mặt ngoài đùi, đầu gối, mặt ngoài cẳng chân. Làm lại nhiều lần trong 5 phút.

Bấm các huyệt: Kiên ngung (LI 15), Khúc trì (LI 11), Hợp cốc (LI 4), Phong thị (GB 31), Túc tam lý (ST 36): Bệnh nhân nằm ngửa, người làm mát xa xoa bóp đứng bên cạnh dùng đầu ngón tay cái và ngón tay giữa điểm các huyệt: Kiên ngung (LI 15) ở giữa chỗ lõm phía trước vai khi cánh tay ở tư thế dạng tối đa; Khúc trì (LI 11) ở đầu rãnh khuỷu tay khi khuỷu ở thế co (gập); Hợp cốc (LI 4) ở trên lưng bàn tay, giữa xương bàn tay thứ nhất và thứ nhì, ở mé ngoài của xương bàn tay thứ 2; Phong thị (GB 31) ở mặt ngoài của đùi, trên rãnh nhượng chân 7 thốn; Túc tam lý (ST 36) ở phía dưới đầu gối 3 thốn, mé ngoài cẳng chân, cách mào xương quyển 1,5 thốn.

Mỗi huyệt được điểm trong 30 giây. Để xác định vị trí các huyệt, các gia đình có thể tìm hiểu trên mạng hoặc mua sách, bản đồ vị trí các huyệt đạo ở các cửa hàng sách.

Ths.Bs Trần Danh Phương, Khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Thể thao

Theo Đời sống
back to top