Xin và cho

Xin và cho đã biến hành khất thành một nghề, thành một tệ nạn. Khiến người ta thuê cả những đứa trẻ tật nguyền, cải trang thành dị dạng… để đi xin. Đó là sự lừa đảo.

Xin và cho (hình minh họa).

Một ngày 3 – 4 lần phải đi qua ngã tư đó thì cũng từng ấy lần tôi thấy gã ăn xin ấy. Không hiểu gã bị sao, chỉ thấy vạch chân để lộ ra những vết loang lổ hồng hồng trăng trắng như vết bỏng và dáng đi tập tễnh. Một tay chống gậy, một tay gã chìa cái mũ ra để xin tiền.

Có người cho tiền, nhưng phần lớn là không vì chắc họ cũng như tôi qua lại quãng đường này thường xuyên, nhìn mãi cảnh này, quen lắm rồi.

Cũng cái hình dáng này tôi đã gặp ở đoạn đường qua Văn Miếu rồi. Trên mạng cũng đã có bài viết về gã, còn chụp được cả ảnh gã cưỡi xe máy trên đường. Vậy mà gã vẫn hành nghề.

Tôi cứ tưởng việc chìa tay ra xin là vạn bất đắc dĩ, chẳng may lâm vào cảnh sa cơ lỡ vận thì xin một chút để sống qua lúc khó khăn vận hạn thế thôi. Rồi sau đó phải tìm việc gì mà làm. Chứ ai lại cứ ngửa tay đi xin cả đời như thế.

Vậy mà nhiều người lại coi đây là một nghề kiếm tiền hẳn hoi. Chả thế mà có nơi cả làng đi xin, còn xin về để xây nhà nữa. Đến chịu. Như thế khác nào lợi dụng lòng tốt của mọi người. Lòng tốt ấy đáng lẽ dành để giúp đỡ những người cùng khổ chứ không phải để một số người lợi dụng như thế.

Trước cổng trường con tôi cũng có một bà cụ, mấy năm nay trưa nào bà cũng ngồi ngay cổng ra vào, chìa cái nón ra chờ những đứa trẻ bỏ vào đấy mấy đồng tiền lẻ. Thôi thì tuổi già, không nơi nương tựa, sống nhờ vào chút hảo tâm của những đứa trẻ.

Nhưng cũng trên đoạn đường ấy trưa nào tôi cũng gặp một bà cụ còn già hơn, yếu hơn bà cụ ăn xin kia, gánh đôi quang gánh với những rau, quả đi bán. Như vậy là không phải ai cũng chấp nhận cái sự chìa tay ra xin.

Chung quy có khi cũng tại cái sự xin và cho. Ngày trước, có người tới xin thường người ta cho cơm, cho gạo, cho quần áo… chứ ít khi cho tiền. Còn ngày nay cho đồ ăn có khi họ còn không nhận, chỉ lấy tiền thôi.

Chính cái sự cho tiền này đã biến việc đi xin thành một nghề. Không những thế, người ta còn dùng thủ đoạn thuê những đứa trẻ tật nguyền, cải trang thành dị dạng, bệnh tật, méo mó, cải trang thành sư đi khất thực… để đi xin, để dễ khiến người khác mủi lòng. Đó là sự lừa đảo. Không chỉ lừa để lấy tiền, mà còn lừa cả lòng tốt của người đời.

Minh Anh

Theo Đời sống
back to top