Xét nghiệm NK đánh giá hệ miễn dịch của cơ thể

(khoahocdoisong.vn) - Xét nghiệm tế bào NK được đánh giá là một công cụ có vai trò rất lớn trong việc kiểm tra các thay đổi của hoạt động kiểm soát miễn dịch, giúp bác sĩ dễ dàng phát hiệu dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc bệnh lý đang hiện hữu trong cơ thể.

Xét nghiệm đánh giá năng lực tế bào

Tế bào NK (viết tắt của Nature Killer Cell - tạm dịch là tế bào tiêu diệt tự nhiên) là một loại bạch cầu có trong máu. Chúng có nguồn gốc từ tủy xương và đóng vai trò như tế bào miễn dịch trong cơ thể. Tế bào NK có thể tấn công các tế bào ung thư nhanh chóng và hiệu quả, chiếm khoảng 10 - 15% trong tổng số tế bào lympho ở những người khỏe mạnh. Không chỉ có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư, lão hóa mà tế bào NK còn có thể tấn công các loại vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể.

Hệ miễn dịch của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh.

Hệ miễn dịch của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh.

Xét nghiệm NK giúp đánh giá năng lực của tế bào NK sau khi được nuôi cấy trong môi trường chuyên biệt với những yếu tố kích hoạt giúp bộc lộ được hết công năng, tác dụng của mình như khi gặp các yếu tố gây bệnh. Xét nghiệm này hay còn gọi là xét nghiệm miễn dịch chỉ lấy một lượng máu rất ít và kết quả sẽ có sau 2 - 3 ngày. 

+ Xác định hoạt tính tế bào NK được đánh giá là một công cụ có vai trò rất lớn trong việc kiểm tra các thay đổi của hoạt động kiểm soát miễn dịch. Nhờ xét nghiệm NK, các bác sĩ sẽ dễ dàng phát hiện dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc bệnh lý đang hiện hữu trong cơ thể bệnh nhân, từ đó có phương hướng nâng cao sức khỏe, đề phòng nguy cơ phát bệnh.

+ Hoạt tính NK cho biết khả năng miễn dịch tự nhiên, tự bảo vệ trước những tác nhân, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là khả năng tiêu hủy, loại bỏ không cho các tế bào ung thư có cơ hội phát triển.

+ Xét nghiệm NK không xâm lấn hay can thiệp trên cơ thể người. Chỉ cần một lượng máu nhỏ (khoảng 1ml) được nuôi cấy trong môi trường chuyên biệt là có thể đánh giá được khả năng tiết chế và tiêu diệt những tế bào lạ của tế bào NK trong máu toàn phần. Trong trường hợp kiểm tra cho thấy hoạt tính tế bào NK đạt ngưỡng thấp, đây là căn cứ có giá trị cao để bác sĩ lâm sàng chỉ định bệnh nhân tiến hành thêm các thăm khám sàng lọc bệnh lý ác tính bổ sung như nội soi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa hay giải phẫu bệnh… để đi đến kết luận một cách chính xác nhất.

Tế bào miễn dịch NK.

Tế bào miễn dịch NK.

Nếu kết quả xét nghiệm NK thấp dưới mức trung bình (dưới 100pg/ml): Cho thấy hoạt tính của tế bào NK hoạt động bất thường ở mức thấp, có thể do bệnh hiện tại (trừ những bệnh nhân có đặc điểm di truyền đối với các tế bào NK thấp). Trong trường hợp này, các bác sĩ có thể bổ sung thêm các xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân, mầm mống gây bệnh.

+ Mức cảnh báo (100 - 249pg/ml): Chỉ ra hoạt tính của tế bào NK thấp tạm thời. bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế, bệnh viện xét nghiệm định kỳ 1 năm/lần. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, tích cực tập luyện thể dục thể thao.

+ Mức bình thường (từ 250pg/ml trở lên): Hoạt tính của tế bào NK hoạt động bình thường, cần giám sát 1 lần/năm. Bên cạnh đó, nâng cao hệ thống miễn dịch là điều vô cùng cần thiết để duy trì một lối sống cân bằng với việc đều đặn tập luyện thể dục thể thao.

+ Trên mức 500pg/ml: Điều này chứng minh rằng hoạt tính của tế bào NK đang hoạt động rất tốt.

Không phải ai cũng cần xét nghiệm

Những trường hợp nên làm xét nghiệm NK là:

+ Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao như những người trên 50 tuổi; người làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm; đối tượng thường lạm dụng các chất kích thích, hút thuốc lá; người có ba, mẹ, anh chị em ruột… từng mắc bệnh ung thư.

+ Nhóm đối tượng có nhu cầu kiểm tra sức khỏe, đánh giá khả năng miễn dịch tự nhiên chống ung thư của cơ thể, từ đó có phương pháp điều trị dự phòng hiệu quả và cải thiện sức khỏe.

Kết quả xét nghiệm NK có thể bị sai lệch hoặc không có giá trị chẩn đoán nếu người xét nghiệm liên quan đến một trong những trường hợp sau:

+ Bệnh nhân đang điều trị các bệnh tự miễn;

+ Người đang sử dụng các thuốc đông y không rõ thành phần, nguồn gốc;

+ Phụ nữ đang mang thai;

+ Dùng các thuốc kháng sinh nhóm Quinolon;

+ Người bệnh đang sử dụng loại thuốc ức chế miễn dịch, thuốc có chứa thành phần steroid;

+ Bệnh nhân mắc bệnh ung thư tủy, suy tủy hay ung thư máu dòng bạch cầu lympho;

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

Theo Đời sống
back to top